Mệnh lệnh về một nền kinh tế sáng tạo

Người đăng: yeu mai em on Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://www.baomoi.com/Menh-lenh-ve-mot-nen-kinh-te-sang-tao/45/6916808.epi
(VOV) - Để có một nền kinh tế sáng tạo, tăng trưởng bền vững, không bị luẩn quẩn trong bẫy thu nhập trung bình, cần một tư duy phát triển sáng tạo.
Năm 2011 đã đi được ba phần tư chặng đường với nhiều khó khăn, thách thức tác động tới cả xã hội. Nỗi lo chi phối cả những người dân bình thường đến các doanh nghiệp, các nhà quản lý là tình hình giá cả, lạm phát, gây tâm lý bất an. Đó là một lát cắt, một góc nhìn về bức tranh kinh tế - xã hội sau 1 năm Việt Nam bước vào ngưỡng thu nhập trung bình thấp. Mới ra khỏi nhóm nước nghèo, nhưng chúng ta đã nhận được nhiều khuyến cáo: cần cảnh giác với bẫy thu nhập trung bình. Trong thời kỳ mà phát triển kinh tế là ưu tiên trọng tâm của cả dân tộc, đây quả là một vấn đề rất đáng lưu tâm.
Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1.168 USD. Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), chúng ta được xếp vào nhóm thu nhập “trung bình thấp”. Năm nay, mục tiêu phấn đấu thu nhập bình quân là 1.300 USD/ người, với điều kiện nền kinh tế tăng trưởng từ 7-8%. Xét qua 3 quý của năm, mục tiêu này sẽ khó thực hiện. Ngưỡng phân loại của WB đối với quốc gia có thu nhập trung bình là từ 996 đến 12.195 USD/người/năm.
Lại xét đến mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam, trong vòng 10 năm nữa, quy mô GDP sẽ gấp đôi hiện tại, với GDP bình quân đầu người khoảng 3.000 USD. Như vậy, nếu đạt được mục tiêu “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, nước ta mới ở nhóm trên của các nước thu nhập trung bình thấp, phấn đấu vào nhóm thu nhập trung bình cao. Như thế, chặng đường phía trước còn khá dài và lắm cam go.
Khi các nhà chuyên môn nói về bẫy thu nhập trung bình, là đề cập trạng thái nền kinh tế có thể rơi vào sự quẩn quanh, không thoát ra được trần thu nhập trung bình, và bất lực đứng nhìn nhóm nước phát triển lao về phía trước. Những ví dụ hay được nhắc tới là Malaysia, Indonesia, xa hơn là Chile, Brazil. Các quốc gia này từng thần tốc ra khỏi nhóm nước nghèo từ cả chục năm trước, nhưng đến nay họ vẫn không thể bứt phá lên nhóm trên với tốc độ mà họ đã từng đi. Ở châu Á, trong số ít các quốc gia đã thoát được bẫy thu nhập trung bình, đạt trình độ phát triển cao có Singapore, Hàn Quốc.
Vì sao các chuyên gia kinh tế của các định chế tài chính lớn như WB, ADB hay IMF lại khuyến cáo Việt Nam về “bẫy thu nhập trung bình”? Lý do là vì cách thức Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh trong vòng 10 năm qua, là nhờ khai thác tài nguyên dồi dào, lao động rẻ, một sự tăng trưởng theo chiều rộng là chủ yếu.
Đương nhiên, khi mọi sự khai thác đã kịch trần, sẽ không còn động lực tăng trưởng nếu không kịp thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đã có những phân tích chỉ ra dấu hiệu này, đó là hiệu quả đầu tư của nền kinh tế rất thấp, biểu hiện qua chỉ số ICOR cao những năm gần đây.
Bởi vậy, ưu tiên có tính bức bách số một mà Việt Nam đang quan tâm là thay đổi cách thức để đạt được tăng trưởng; đồng thời chia sẻ công bằng thành quả của tăng trưởng đến với mọi người dân. Điều này còn quan trọng hơn con số tuyệt đối về thống kê sơ cứng bình quân đầu người có vượt được mức trung bình hay không. Tuy nhiên, để triển khai chiến lược này, là điều cực kỳ phức tạp.
Ba trụ cột ưu tiên hành động của Chính phủ là đổi mới, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, chính là cách để đạt được sự tăng trưởng liên tục và bền vững.
Làm sao tối ưu hóa các nguồn lực, trong đó quan trọng nhất là nguồn lực con người? Một nền giáo dục của ta còn ngổn ngang bất cập, đang là một nút thắt khó gỡ nhất để tạo ra một nguồn nhân lực toàn diện đáp ứng nhu cầu cạnh tranh toàn cầu. Bởi vì, suy cho cùng, giá trị gia tăng hay sức sáng tạo của một nền kinh tế là phụ thuộc vào nhân sự của nền kinh tế ấy.
Chúng ta đã nghe chuyện mỗi năm có khoảng 1.000 tỷ đồng được đầu tư cho khoa học nông nghiệp, nhưng nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam vẫn chưa hình thành. Sản phẩm nông nghiệp một số mặt hàng đã đạt sản lượng lớn, nhưng chưa có giá trị cao. Các sáng kiến hữu dụng trong nông nghiệp, đa phần do nông dân tự mày mò sáng chế.
Rồi lại có quá nhiều danh mục ngành nghề, lĩnh vực được xếp loại ưu tiên, ưu đãi đầu tư phát triển. Nhưng ưu đãi quá nhiều trong khi nguồn lực có hạn thì lại thành không còn ưu đãi. Cuộc rà soát danh mục ưu đãi đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành mới đây đã cho thấy rõ điều này.
Bởi thế, để có một nền kinh tế sáng tạo, tăng trưởng bền vững, không bị luẩn quẩn trong bẫy thu nhập trung bình, chúng ta cần một tư duy phát triển sáng tạo. Tư duy ấy nằm trong năng lực xây dựng chiến lược phát triển, năng lực điều hành kinh tế xã hội của Đảng cầm quyền và bộ máy Nhà nước. Một Bộ tư lệnh của một dân tộc thông minh, cần cù, có ý chí vươn lên không ngừng, tất nhiên sẽ tập hợp được những tinh hoa trí tuệ của dân tộc và thời đại, tìm ra con đường phát triển đúng đắn nhất.
Đây là niềm tin đồng thời cũng là kinh nghiệm có được nếu nhìn lại những chặng đường quá khứ mà dân tộc ta đã đi qua./.



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét