Làng nghề gốm: Yếu nhất ở khâu sáng tạo

Người đăng: yeu mai em on Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=4934&CategoryID=41
Nhân triển lãm gốm Việt Nam “Rồng và Sen” đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Birmingham, Mỹ, Tia Sáng đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lê Thiết Cương, người từng dành không ít thời gian nghiên cứu nghề gốm, về hiện tại của một nghề truyền thống đã để lại không ít danh tiếng.
Qua báo chí có thể thấy nhiều tư nhân và bảo tàng, cả trong và ngoài nước, dành quan tâm đặc biệt cho đồ gốm Việt Nam. Là một người sưu tầm đồ cổ, trong đó có đồ gốm, theo ông hiện bộ sưu tập gốm cổ Việt Nam lớn nhất hiện đang thuộc về ai?
Theo tôi “lớn nhất” chỉ là một cách nói tương đối, bởi lớn nhất là theo tiêu chí nào? Chẳng hạn, như tôi được biết, nói về gốm hoa nâu Lý – Trần thế kỷ 11 -13 thì không ở đâu có bộ sưu tập lớn bằng bộ sưu tập của một tư nhân ở trong nước, thế nhưng ngay bộ sưu tập này cũng thiếu vài món đặc sắc hiện còn lưu lạc ở nước ngoài.
Khi nói đến những tư nhân sưu tầm đồ cổ, người ta nghĩ ngay đến những người làm giàu rất nhanh nhờ mua đi bán lại những món bảo vật, và hoạt động của họ cũng là nguyên nhân chính gây chảy máu bảo vật ra nước ngoài. Ông nghĩ sao về những định kiến như vậy?
Suy nghĩ đó cũng có phần đúng, nhưng chưa đầy đủ bởi nó được đặt dưới góc nhìn tiêu cực, trong khi mọi việc bao giờ cũng có hai mặt của nó. Ở việc sưu tầm, trao đổi, mua bán các món đồ cổ, tôi nhìn thấy phần tích cực nhiều hơn, phần tích cực mới là trọng tâm.
Nếu không có những người đó, không bao giờ chúng ta giữ được cổ vật trước hai tệ nạn: thứ nhất là phong trào chống mê tín dị đoan thời chiến tranh và hậu chiến. Không có họ cất công tìm kiếm và liều cả tính mạng để bảo vệ (chôn trong vườn, giấu lên xà nhà, như những câu chuyện chúng ta vẫn được nghe) thì số phận biết bao hoành phi, câu đối… sẽ ra sao trước quan điểm đồng nhất cổ vật với chế độ cũ - phong kiến và phản động, vào thời kỳ đó! Tệ nạn thứ hai thì đang diễn ra, đó là nhân danh trùng tu để phá hoại - bỏ đồ cũ thay bằng đồ mới, còn những gì được giữ lại thì cũng biến dạng bởi bị sơn son thếp vàng bằng sơn công nghiệp và vàng rởm. Đền, đình, chùa của chúng ta – không phải 100% thì cũng gần như thế - đều đang ở tình trạng nói trên. Vậy thì chúng ta phải cảm ơn những người sưu tầm đồ cổ mới phải chứ!
Về việc chảy máu cổ vật, cũng hãy thử nhìn ở góc độ tích cực. Khi cổ vật Việt Nam được sưu tầm và trưng bày ở những bảo tàng nghệ thuật danh tiếng của thế giới, tôi có thể kể ra những cái được như sau: thứ nhất, cổ vật được bảo quản tốt; thứ hai, khi được trưng bày, sẽ có công chúng lớn, mà thông qua đó văn hóa Việt Nam được giới thiệu rộng rãi.
Vâng, ông có thấy đáng tiếc là ở Việt Nam ngày càng có nhiều tư nhân gây dựng những bộ sưu tập riêng nhưng việc giới thiệu ra cộng đồng vẫn còn hạn chế?
Ở nước ngoài, cụ thể là ở Mỹ, phần lớn các bảo tàng đều được hưởng lợi từ việc các cá nhân hiến tặng hay cho mượn bộ sưu tập của mình để trưng bày. Trong trường hợp hiến tặng, sẽ có curator của bảo tàng thẩm định giá trị và giá của bộ sưu tập, để từ đó có cơ sở đề xuất trừ thuế thu nhập cho cá nhân đã hiến tặng như một cách khuyến khích việc làm tốt đẹp của họ. Các bảo tàng giàu có lên rất nhiều nhờ việc hiến tặng hoặc cho mượn, còn các tư nhân không phải tốn tiền xây bảo tàng để bảo quản, trưng bày sưu tập của mình, trong khi công chúng được thưởng lãm nhiều hơn. Vì sao Việt Nam chưa làm được như vậy, khoan hãy nói về năng lực bảo quản và trưng bày của bảo tàng, câu chuyện ở đây, theo tôi, trước hết là câu chuyện về sự trọng thị. Có thể kể ra trường hợp của nhà sưu tập Đức Minh, ông từng đề nghị hiến cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam một số tranh với yêu cầu đề tên ông dưới tranh với tư cách người sưu tập, nhưng yêu cầu đó không được đáp ứng. Trên đời này không có ai sưu tập chỉ để đóng gói cất đi cả, vấn đề là ở chỗ bảo tàng, cơ quan thay mặt quốc gia, có cho họ thấy đủ sự tôn trọng khi họ hiến tặng/cho mượn bộ sưu tập của mình hay không mà thôi.
Quay trở lại với cuộc triển lãm “Rồng và Sen” đang diễn ra ở BMA, nhân giới thiệu triển lãm này, báo chí Mỹ cũng ca ngợi nghề gốm nước ta có một truyền thống lâu đời và độc đáo. Là người đã bỏ ra không ít thời gian để chơi và nghiên cứu đồ gốm, ông thấy truyền thống này có được tiếp nối đến ngày nay không?
Thật tiếc phải nói rằng truyền thống đó đã bị đứt đoạn, không được kế thừa. Đã có quá nhiều thứ thay đổi, mất đi. Nhưng cứ giả sử rằng, những cái thuộc về kỹ nghệ có tính gia truyền bí truyền vẫn còn, đất và men (men tự nhiên chứ không phải men hóa chất) của ngày xưa vẫn còn, và những tay nghề giỏi vẫn có thì chúng ta cũng không cách nào mà tạo ra được những sản phẩm đẹp như từng có trong quá khứ. Bởi lòng người đã thay đổi rồi. Họ chỉ muốn sản xuất sao cho nhiều và rẻ, mà như thế thì chỉ có cách ăn cắp công đoạn thôi. Bên cạnh đó, đã là đồ thủ công, thì dù chỉ là cái nón lá hay đôi guốc gỗ cũng cần có hàm lượng mỹ thuật nhất định. Nhưng những gì chúng ta nhìn thấy ở các làng gốm ngày nay, nếu không phải là sao chép người xưa, sao chép vốn cổ từ dáng, men cho đến họa tiết thì cũng là những thứ “phá gốm”. Đó là những thứ gốm có cốt đất nhưng lại được sơn phủ bằng sơn công nghiệp, hay còn gọi là gốm sơn mài ở Bát Tràng; hay những thứ gốm được tô, đắp, khoét, như trường hợp gốm Nhung ở Phù Lãng. Phá gốm vì không có khả năng sáng tạo.
Trong những lần đi khảo sát các làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà, Hương Canh hay Cậy, ngoài hai dòng gốm như kể trên, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những sản phẩm gốm rất đẹp làm theo đơn đặt hàng của người nước ngoài. Từ đó, tôi kết luận, nhận xét cho rằng khâu yếu nhất của làng nghề gốm hiện nay là khâu sáng tạo không phải là của riêng tôi nữa. Việc người nước ngoài đến những làng nghề đó không mua mà chỉ đặt hàng theo thiết kế của họ khẳng định một điều, những làng nghề đó tồn tại đến nay vẫn còn giá trị nhưng chỉ là giá trị về tay nghề, về nguyên liệu – chất liệu. Người ta có thể nhìn thấy những cái hay của nguyên liệu – chất liệu của chúng ta, đánh giá cao sự khéo tay của người làm nghề, nhưng không có gì hơn. Thật đáng tiếc sự thật là như vậy! Tuy nhiên, những điều kém cỏi của các làng nghề gốm hiện nay ai cũng có thể thấy và nói cho bạn nghe. Điều tôi muốn bàn kỹ hơn trong những cuộc trao đổi tới, đó là liệu chúng ta có thể khôi phục truyền thống không và bằng cách nào.



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét