Làm sao để đào tạo người có tư duy sáng tạo

Người đăng: yeu mai em on Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013


sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://chungta.prj.vn/Desktop.aspx/SuyNgam/Giao-Duc-1/Lam_sao_de_dao_tao_nguoi_co_tu_duy_sang_tao/
Bùi Trọng Liễu
Nguyên giáo sư Đại học Paris, Pháp.
Trước tiên, tôi muốn tìm hiểu cụm từ “tư duy sáng tạo” mà một số người Việt Nam đang dùng hiện nay nghĩa là gì. Nói giáo dục đào tạo ra những người “biết suy luận” (có người gọi là có “tính chủ động tư duy”) thì tôi hiểu. Còn từ “sáng tạo” thì tôi hiểu theo nghĩa là “phát minh, tạo ra những cái mới có giá trị về vật chất hay tinh thần mà tới nay chưa có; tìm ra những giải pháp độc đáo chưa ai dùng để giải quyết vấn đề này nọ; hoặc là biết phù hợp hóa những phát minh của người khác vào khung cảnh đặc biệt của mình”. Nếu quả vậy, tôi xin được phát biểu đôi lời về việc giáo dục đào tạo ra những con người biết suy luận.
Không thể có suy luận, không thể có sáng tạo nếu không có kiến thức cơ bản tối thiểu
Tôi nghĩ loài người tiến bộ là nhờ tích lũy được những hiểu biết của các thế hệ trước rồi mới tìm ra những cái mới cho thế hệ mình, chứ không phải là mỗi thế hệ luôn trở lại thời đồ đá rồi tự phát minh lại từ đầu. Cho nên ở mức độ bình thường thì nên học cho đủ hiểu biết đã. Tôi nói điều này cho tất cả mọi cấp học, từ mẫu giáo, tiểu học, trung học và những năm đầu đại học, ngoại trừ cấp “đào tạo qua nghiên cứu”. Nói như vậy không có nghĩa là người học (học sinh, sinh viên) hoàn toàn thụ động, học kiểu học vẹt: nếu nhà giáo có nhiệm vụ chuyển giao kiến thức qua bài giảng, người học, ngoài việc phải tiếp thu còn phải được hướng dẫn để biết tự mình tra sách, tìm tài liệu tại thư viện hay bằng những phương tiện khác như tìm trên mạng... để bổ sung sự hiểu biết của mình.
Ở đây, tôi thấy cần nói thật rõ để tránh hiểu lầm. Học vẹt có thể điển hình bằng một thí dụ “cực cấp”: ở nước nào có quốc giáo (thần tiên hay trần tục) thì có việc học thánh kinh, mà đã là học thánh kinh thì không có chuyện đòi suy luận, chỉ có việc học sao cho thuộc để tụng lại.
Từ thái cực này sang thái cực khác, một số nhà sư phạm chủ trương cần để cho người học (dù nhỏ tuổi) tự mày mò, tìm tòi hiểu biết. Thí dụ như theo họ, sinh viên đại học phải hoàn toàn tự học từ sách và tài liệu, nhà giáo chỉ hướng dẫn (!?) mà không cần lên lớp (vậy thì nhà giáo đại học tồn tại để làm gì?). Theo tôi, một bài giảng của nhà giáo có trình độ và lương tâm, trong mỗi tiết học mang lại cho người học một khối lượng hiểu biết hoàn chỉnh (chính vì vậy tránh được việc học quá tải, thu gọn được số giờ học) kèm theo những chỉ dẫn về phương pháp và tài liệu tra cứu mà tự sinh viên có thể không có được, như vậy tiết kiệm được thời giờ cho người học rất nhiều và tạo điều kiện tối đa cho họ dùng số thời giờ còn lại để tự trau dồi thêm hiểu biết.
Để minh họa cho rõ ý, lấy thí dụ tại Pháp, ở các lớp C.P.G.E. - lớp ở mức tú tài + 1 và tú tài + 2, sửa soạn để thi tuyển vào các Grandes Ecoles (trường lớn) của Pháp - không có chuyện nhà giáo ngồi trên bục giảng nêu vấn đề để rồi sinh viên “trầm tư mặc tưởng”. Hai năm học này là hai năm dạy và học rất căng, rất nghiêm túc, chặt chẽ, luyện cho học sinh một cách học có quy củ.
Ở mức độ này, học sinh phải hấp thụ các kiến thức cần thiết, chưa có chuyện mày mò sáng tạo. Nếu ai tán dương sự thành công của hệ thống Grandes Ecoles thì đừng lẫn lộn việc học căng (dạy nhiều, học nhiều nhưng phải tiêu hóa được) với việc học vẹt (nhồi mà học sinh không hiểu).
Điều kiện để có một nền giáo dục - đào tạo hợp lý như kể trên phụ thuộc nhiều điều: 1) Đào tạo được những nhà giáo đúng chuẩn; 2) Nhà giáo có được phương tiện đủ sống để hành nghề nghiêm chỉnh; 3) Bảo đảm điều kiện vật chất tối thiểu về trường lớp; 4) Bảo đảm điều kiện vật chất và thời gian tối thiểu cần thiết cho người học; 5) Luật lệ và phong tục không dung thứ những tha hóa làm nhiễu môi trường học tập.
Những điều này tất nhiên phần lớn phụ thuộc ở những quan chức có thẩm quyền, nhưng cũng phần nào phụ thuộc các thành phần khác của xã hội có quan tâm đến vị trí quan trọng của giáo dục - đào tạo trong xã hội hiện tại và tương lai hay không. Những chủ trương như coi giáo dục là một “hàng hóa thuận mua vừa bán” trong một thị trường hoàn toàn tự do, ưu tiên số lượng so với chất lượng... không phải là những chủ trương thuận lợi cho việc thực hiện những điều kể trên.
Vấn đề sáng tạo
Trong cụm từ “đào tạo người có tư duy sáng tạo”, hình như đâu đó có một ẩn ý mong muốn đất nước có được một đội ngũ đông đảo những nhà nghiên cứu sáng chế những cái mới. Có hai dạng thông minh. Dạng thứ nhất là dạng học giỏi theo nghĩa hiểu nhanh, chóng tiếp thu (đôi khi đoán được) ý của người khác, trả lời được những câu hỏi của những ban giám khảo, dạng này thường thấy ở những người là thủ khoa, á nguyên của các kỳ thi.
Đấy là dạng mà nhiều người nước ta ưa chuộng, từ thuở xa xưa cho đến ngày nay. Dạng thứ nhì là dạng có óc sáng tạo, biết phát minh ra cái mới chưa từng có, hoặc (mở rộng định nghĩa hơn nữa) biết “phù hợp hóa” vào điều kiện của mình những phát minh ở nơi khác. Cả hai dạng này đều do bẩm sinh. (Đây là một nhận xét, không phải là sự đề cao năng khiếu).
Ở một người có thể hội tụ cả hai dạng thông minh này, nhưng không phải ai cũng có may mắn ấy. Tôi từng thấy những người thông minh dạng thứ nhất, nhưng khi đi vào nghiên cứu thì chẳng phát minh được cái gì mới, thậm chí có khi không thực hiện nổi một luận án. Ngược lại cũng có những người không thuộc dạng thứ nhất nhưng lại có những phát minh mà sử sách còn ghi.
Nói như vậy không có nghĩa là mọi sự đều tự phát. Dù là người thuộc dạng nào đi nữa cũng phải nhờ một nền giáo dục đào tạo nghiêm túc, cho họ những kiến thức cơ bản đầy đủ để sau đó họ phát huy được khả năng, chính là điều mà tôi nhấn mạnh ở đây.
Trong một xã hội đang trên đà tiến triển, nhu cầu cần giải đáp các vấn đề nảy sinh, làm cho việc tìm tòi, nghiên cứu trở nên quan trọng: phải biết suy luận, đón trước những vấn đề cần được nêu ra và phải biết mang lại lời giải cho những vấn đề đó hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ. Có lẽ vì vậy mà nhiều người Việt Nam trăn trở với cụm từ “tư duy sáng tạo” chăng? Tuy nhiên, phải biết phân biệt “tìm” và “tìm thấy”.
Ngoài ra, xin nhắc lại một câu chuyện đã cũ. Cách đây mấy chục năm, một quan chức cao cấp trong nước hỏi tôi liệu bao năm nữa ta có thể có được một giải Nobel khoa học. Tôi trả lời nước người ta có một nền giáo dục đào tạo nghiêm túc; khoa học, kỹ thuật, công nghệ, văn hóa... của họ phát triển mạnh thì tới một lúc nào đó họ có được giải Nobel khoa học. Ngược lại, giả sử đem một nhà khoa học đã có giải Nobel cài vào một xã hội “lem nhem” thì người đó cũng chỉ cằn cỗi đi và khó có thể tiếp tục làm được gì đáng kể. 



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét