Tóm tắt về nền kinh tế Mỹ

Người đăng: yeu mai em on Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_economyinbrief.html
Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 7/2007
GIỚI THIỆU
Một câu nói cách ngôn của các nhà kinh tế học là: “Khi nước Mỹ hắt xì hơi, thì cả thế giới đều bị cảm lạnh”.
Theo Hội đồng phi lợi nhuận về Cạnh tranh, trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2005, nước Mỹ đóng góp trực tiếp vào một phần ba mức độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn từ 1983 đến 2004, nhập khẩu của Mỹ tăng chóng mặt và chiếm gần 20% trong mức tăng xuất khẩu của toàn thế giới.
Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Phục vụ Quốc hội (CRS) đã nêu rõ “Các nước đang phát triển chiếm một phần ngày càng nhiều trong số hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ, 32,8% vào năm 1985 trong khi vào năm 2006, tỉ lệ này là 47,0%. Các nước đang phát triển cũng chiếm 34,5% nhập khẩu của Mỹ vào năm 1985 và 54,7% vào năm 2006”.
Như một cỗ xe 4 bánh tràn đầy sinh khí kiên cường vượt qua vùng địa hình đầy hiểm trở, nền kinh tế Mỹ đã thoát hiểm một cách êm đềm trong những năm đầu tiên của thế kỷ 21, dù đã gặp nhiều trở ngại lớn: sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán, các cuộc tấn công khủng bố, chiến tranh tại Irắc và Apganixtan, các vụ xì-căng-đan từ các tập đoàn tài chính, sự phá hủy tàn khốc trên diện rộng của bão lụt, giá năng lượng tăng cao và sự trượt dốc thảm hại của bất động sản.
Sau đợt suy thoái nhẹ từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2001, kinh tế Mỹ bắt đầu tăng trưởng với tốc độ trung bình là 2,9% trong giai đoạn từ 2002 đến 2006. Trong khi đó, lạm phát về giá cả, tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất vẫn duy trì ở mức tương đối thấp.
Bằng nhiều biện pháp, Hoa Kỳ đã duy trì được vị thế là một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao, sản lượng lớn và có tầm ảnh hưởng rộng lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, càng ngày kinh tế Mỹ càng chịu nhiều tác động từ các nền kinh tế năng động khác. Hiện nay, nước Mỹ vẫn đang phải đối mặt với cả các thách thức đến từ bên trong lẫn những thách thức đến từ bên ngoài.
Nhưng dù sao đi nữa, khi đề cập đến nền kinh tế Mỹ là chúng ta muốn nói đến những nội dung gì?
Một con số của các con số để xem xét
Dù gì đi nữa, kinh tế Mỹ luôn đứng cao nhất hoặc cận cao nhất trong hàng loạt các xếp hạng quốc tế:
    * Xếp thứ nhất về sản lượng kinh tế, còn gọi là tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đạt 13,13 nghìn tỷ đô-la Mỹ trong năm 2006. Với ít hơn 5% dân số thế giới, khoảng 302 triệu người, nước Mỹ chiếm 20 đến 30% tổng GDP của toàn thế giới. Riêng GDP của một bang – bang California - đạt 1,5 nghìn tỷ trong năm 2006, đã vượt quá GDP của tất cả các nước, chỉ trừ 8 nước, vào năm đó.
    * Đứng đầu về tổng kim ngạch nhập khẩu, khoảng 2,2 nghìn tỷ đô-la Mỹ, gấp 3 kim ngạch nhập khẩu của nước đứng thứ hai là Đức.
    * Đứng thứ hai về xuất khẩu hàng hóa – 1 nghìn tỷ trong năm 2006 - chỉ sau Đức, mặc dù theo dự báo, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2007. Đứng thứ nhất về xuất khẩu dịch vụ với 422 tỷ đô-la trong năm 2006.
    * Đứng thứ nhất về thâm hụt thương mại, 785,5 tỷ đô-la trong năm 2006, lớn hơn rất nhiều lần so với bất kỳ quốc gia nào khác.
    * Đứng thứ hai về chuyên chở container đường biển trong năm 2006, chỉ sau Trung Quốc.
    * Đứng thứ nhất về nợ nước ngoài, ước tính hơn 10 nghìn tỷ đô-la vào giữa năm 2006.
    * Là địa điểm thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất – trong lĩnh vực kinh doanh và bất động sản - đạt khoảng 177,3 tỷ đô-la trong năm 2006. Đứng đầu về địa điểm rót vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của 100 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới, bao gồm cả các tập đoàn từ những nước đang phát triển.
    * Đứng thứ năm về tài sản dự trữ trong năm 2005 với 188,3 tỷ đô-la, chiếm 4% thị phần thế giới, sau Nhật và Trung Quốc (mỗi quốc gia này chiếm 18%), Đài Loan và Hàn Quốc, và đứng ngay trước Liên bang Nga. Đứng thứ 15 về dự trữ ngoại hối và vàng, đạt khoảng 69 tỷ đô-la vào giữa năm 2006.
    * Đứng đầu về nguồn tiền gửi tại châu Mỹ La tinh và Khu vực Caribê, chiếm khoảng ¾ trong tổng số 62 tỷ đô-la trong năm 2006, từ những người di cư khỏi các khu vực này để tìm kiếm việc làm ở nước ngoài.
    * Đứng thứ nhất về tiêu thụ dầu mỏ, khoảng 20,6 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2006 và đứng thứ nhất về nhập khẩu dầu thô với hơn 10 triệu thùng mỗi ngày.
    * Đứng thứ 3 về môi trường kinh doanh thông thoáng trong năm 2007, sau Singapore và New Zealand.
    * Đứng thứ 20 trên 163, cùng với Bỉ và Chilê về các chỉ số Minh bạch quốc tế năm 2006 nhằm đo lường mức độ tham nhũng (các nền kinh tế có xếp hạng thấp được xem là ít tham nhũng hơn).
Tất cả các biểu đồ trong ấn phẩm này đều do Cục Tình báo Liên bang Hoa Kỳ (CIA) thực hiện. Chỉ có 2 biểu đồ trong phần “Nền kinh tế dịch vụ” là do Bộ Thương mại Hoa Kỳ thực hiện.


HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ
Nền kinh tế quốc gia bao gồm sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước. GDP đánh giá sản lượng đầu ra được tạo bởi sức lao động và trí tuệ tại Hoa Kỳ.
Người lao động sử dụng các nguồn vốn và nguồn lực tự nhiên để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ. Các nguồn tài nguyên là những nguồn lực được thiên nhiên cung cấp: không khí, nước, cây cối, than đá và đất đai.
Các nguồn vốn bao gồm vốn hữu hình: công cụ, máy móc, công nghệ (thấp và cao). Nó còn bao gồm các tài sản trí tuệ như bản quyền, bằng sáng chế, thương hiệu; và bao gồm cả các nguồn vốn con người như trình độ đào tạo, kỹ năng và kinh nghiệm.
Phần lớn các nguồn tài nguyên ở Hoa Kỳ đều nằm trên các vùng đất thuộc quyền sở hữu tư nhân, do các cá nhân hoặc các tập đoàn hoặc do chính phủ cho thuê ở cấp bang hoặc cấp quốc gia. Chính quyền các bang đặt ra các quy tắc sử dụng nguồn lực tự nhiên, ví dụ như các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.
Nước Mỹ cũng rất giàu tài nguyên khoáng sản mặc dù thiếu một số nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ sản xuất – ví dụ như dầu mỏ. Nước Mỹ có nhiều đất trồng màu mỡ và khí hậu ôn hòa, có các đường bở biển dài trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương và trên Vịnh Mêhicô. Các con sông chảy qua khắp đất nước và Ngũ Hồ tại vùng biên giới Canada đã tạo ra cho nước Mỹ một mạng lưới giao thông đường thủy rất phong phú. Mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường cao tốc và cảng hàng không dày đặc đã nối 50 bang riêng lẻ thành một chỉnh thể kinh tế thống nhất.
Cá nhân và các tập đoàn sở hữu phần lớn công nghệ và các nguồn vốn hữu hình khác của nước Mỹ. Nền kinh tế Mỹ đặc biệt giàu có về công nghệ thông tin, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ trong hoạt động sản xuất vào thập kỷ qua. Chính quyền các bang đặt ra các quy định để mua bán và sử dụng những nguồn vốn đó.
Các cá nhân, tập đoàn, trường đại học và các thể chế nghiên cứu khác sở hữu các tài sản trí tuệ. Trên khắp thế giới, trị giá tổng tài sản trí tuệ của nước Mỹ, bao gồm bản quyền phim, đĩa nhạc, phần mềm và sơ đồ sáng chế được ước tính vào khoảng nhiều tỷ đô-la.
Kể từ khi nước Mỹ xóa bỏ chế độ nô lệ sau cuộc Nội Chiến năm 1863, tất cả người lao động Mỹ đều được sở hữu sức lao động của họ và được quyền tự do bán sức lao động của họ cho các chủ lao động để được trả lương hoặc tự mình làm việc - những người tự trả lương. Chính phủ các bang cũng đưa ra các quy định pháp luật để thuê và sử dụng người lao động.
Để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ, các nhà quản lý phải tổ chức và sử dụng sức lao động, vốn và các nguồn tài nguyên theo các dấu hiệu của thị trường. Theo cấu trúc kinh doanh truyền thống, nhà quản lý làm việc thông qua một bộ máy mệnh lệnh từ trên xuống. Ví dụ như, trong một nhà máy, mệnh lệnh được truyền từ giám đốc điều hành - người có chức năng vận hành một cách có hiệu quả toàn bộ hoạt động kinh doanh – thông qua cấp quản lý thấp hơn để xuống người quản lý của mỗi phân xưởng hoặc mỗi ngành hàng.
Một số doanh nhân sử dụng hình thức tổ chức linh hoạt hơn, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao, nơi mà kỹ năng của người lao động và người tiêu dùng phát triển và thay đổi rất nhanh. Các công ty này đã “làm phẳng” cấu trúc tổ chức của họ, giảm số lượng người quản lý và cho phép có mức độ tự chủ cao hơn trong các nhóm làm việc có tính kỷ luật cao. Thường các nhóm này chịu trách nhiệm về các dự án và được giải thể khi các dự án đã hoàn thành, khi đó, thành viên trong nhóm sẽ được thuyên chuyển đến làm việc tại các nhóm khác với những công việc mới.
Vậy thì hiện nay, nền kinh tế Mỹ đang sản xuất ra cái gì?


MỘT NỀN KINH TẾ DỊCH VỤ
Dịch vụ được sản xuất bởi khu vực tư nhân chiếm 67,8% GDP của Hoa Kỳ trong năm 2006, trong đó đứng đầu là bất động sản, dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm và đầu tư. Một số loại dịch vụ khác là bán buôn và bán lẻ, giao thông vận tải, chăm sóc y tế, pháp luật, khoa học, dịch vụ quản lý, giáo dục, nghệ thuật, giải trí, tiêu khiển, khách sạn và dịch vụ chỗ ở, nhà hàng, quầy rượu và các dịch vụ khác về thực phẩm và đồ uống.
Sản xuất hàng hóa chiếm 19,8% GDP bao gồm các ngành: ngành chế tạo, như máy tính, ôtô, máy bay, máy thiết bị - chiếm 12,1%; xây dựng - chiếm 4,9%; khai thác dầu mỏ, khí đốt và các hoạt động khai mỏ khác - chiếm 1,9%; nông nghiệp chiếm ít hơn 1%.
Liên bang, bang và chính quyền địa phương chiếm phần còn lại – 12,4% GDP.
Những khu vực kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất là dịch vụ tài chính, các dịch vụ chuyên nghiệp, khoa học và kỹ thuật; chế tạo sản phẩm bền vững, đặc biệt là máy tính và đồ điện tử; bất động sản và chăm sóc y tế.
Những khu vực kinh tế có tỷ lệ đóng góp trong GDP giảm đi là nông nghiệp, khai thác mỏ, một vài ngành chế tạo khác như ngành dệt. Hội đồng Cạnh tranh đã nhận định rằng: “Vì có giá trị thấp, hàng hóa dựa trên chế tạo đang dần biến mất khỏi nước Mỹ, và được chuyển sang các nước đang phát triển nơi có thể thực hiện chế tạo hàng hóa với chi phí thấp”.
Hoa Kỳ là quốc gia hàng đầu thế giới trong công nghiệp chế tạo, các nhà máy của Mỹ sản xuất ra lượng hàng hóa có giá trị tương đương với 1,49 nghìn tỷ đô-la trong năm 2005, nhiều gấp 1,5 lần so với nước đứng thứ hai thế giới là Nhật Bản. Giá trị sản lượng nông nghiệp của Mỹ cũng chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Mặc dù hiện nay, nông nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP nhưng các trang trại vẫn duy trì được sức mạnh kinh tế và chính trị của mình. Vào năm 2002, giá trị thị trường của sản lượng nông nghiệp Mỹ đã đạt hơn 200 tỷ đô-la, bao gồm 45 tỷ đô-la từ thịt gia súc và da bò; gần 40 tỷ đô-la từ các loại hạt như ngô, lúa mì và các loại hạt dầu như đậu nành; gần 24 tỷ đô-la từ gia cầm và trứng; 20 tỷ đô-la từ sữa và các sản phẩm bơ sữa và 12 tỷ đô-la từ cừu và lợn.
Mặc dù trên khắp nước Mỹ có hơn 2 triệu trang trại nhưng chỉ có rất ít tập đoàn trang trại lớn thống trị thị trường – 1,6% các trang trại trong năm 2002 nhưng chiếm một nửa tổng giá trị sản phẩm.
Mặc dù Mỹ luôn trong tình trạng thâm hụt thương mại nhưng lại thặng dư trong thương mại nông sản. Dự báo vào năm 2007, các trang trại Mỹ xuất khẩu 78 tỷ đô-la, trong đó, phần lớn nhất được xuất sang các nước Châu Á, mặc dù Canada và Mêhicô là hai thị trường có đóng góp lớn nhất trong sự tăng trưởng mới đây của xuất khẩu nông sản. Khoảng ¼ sản lượng đầu ra của các nông trại Mỹ được xuất khẩu.
Hoa Kỳ cũng duy trì được trạng thái thặng dư trong thương mại dịch vụ - thặng dư 79,7 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2006. Loại hình dịch vụ xuất khẩu lớn nhất của Mỹ là hoạt động du lịch của khách du lịch nước ngoài đến Mỹ, đạt 85,8 tỷ đô-la trong năm nay.
Ngược lại, Mỹ là quốc gia có thâm hụt thương mại hàng hóa lớn và mức độ thâm hụt này đang có xu hướng tăng lên. Trong khi xuất khẩu hơn 1 nghìn tỷ đô-la hàng hóa trong năm 2006, Mỹ đã nhập khẩu hơn 1,8 nghìn tỷ cũng trong năm đó.
Hàng hóa nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2006 là ôtô và phụ tùng ôtô – 211,9 tỷ đô-la, và dầu thô – 225,2 tỷ đô-la. Những nước xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ là Canada, Trung Quốc, Mêhicô, Nhật Bản và Đức.
Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ trong năm 2006 là ôtô và phụ tùng ôtô, xe bán tải và máy bay dân sự. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ là Canada, Mêhicô, Nhật Bản, Trung Quốc và Anh Quốc.
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2006, mặc dù hàng hóa xuất khẩu của Mỹ đã tăng 33% song nhập khẩu hàng hóa còn tăng với tốc độ nhanh hơn – 52%. Thâm hụt thương mại hàng hóa đã tăng gần gấp đôi trong những năm này.
Thâm hụt thương mại 758,5 tỷ đô-la chiếm 5,7% GDP năm 2006 - một mức độ được nhiều nhà kinh tế coi là không bền vững vì nó dựa trên các dòng đầu tư nước ngoài đang tiếp tục đổ vào nước Mỹ.
Nhưng điều gì làm cho nền kinh tế Mỹ năng động đến như vậy?


“SỰ HỦY DIỆT SÁNG TẠO”
Với một diện tích đất đai rộng lớn, các nguồn tài nguyên, một chính phủ ổn định và một lực lượng lao động có trình độ cao, kinh tế Mỹ có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Điều quan trọng là nước Mỹ luôn sẵn sàng đón nhận, thậm chí luôn mong chờ những đổi thay.
Hệ thống kinh tế Mỹ phản ánh những gì mà nhà kinh tế học người Úc trong thế kỷ 20 Joseph Schumpeter đã mô tả: “sự hủy diệt để sáng tạo” của một thị trường tự do tư bản chủ nghĩa. Việc làm, các công ty và toàn bộ các ngành công nghiệp đều như vậy.
Ngay cả các thành phố và các vùng quê cũng luôn biến đổi trong quá trình phát triển, và nếu có một số vùng đất nào đó chưa đổi thay – ví dụ như một số thành phố công nghiệp ở khu vực “Vành đai sắt” ở Đông Bắc và Cận Tây, và một vài bang nông nghiệp ở vùng Đồng bằng Lớn - thì cũng đều đã đánh mất rất nhiều lao động cho các thành phố và vùng quê khác trong nhiều thập kỷ qua.
Trên thị trường tự do, quyết định về việc sản xuất cái gì và ở mức giá nào được đưa ra thông qua hoạt động mua bán tự do và những người mua, người bán hoàn toàn độc lập – có lúc chỉ do một số ít người, có lúc do hàng triệu người - chứ không phải do chính phủ hay do lợi ích cá nhân của những người cầm quyền. Giá cả được định ra bằng cách này phản ánh tốt nhất giá trị của hàng hóa và dịch vụ; đồng thời, là chỉ dẫn tốt nhất để các nhà sản xuất ra những sản phẩm đang có nhu cầu cao nhất trên thị trường.
Người Mỹ cũng coi thị trường tự do là một cách để khích lệ tự do cá nhân, chủ nghĩa đa quyền chính trị và chống lại sự tập trung quyền lực. Chính phủ Liên bang Mỹ cũng thay đổi những cam kết của mình đối với các lực lượng thị trường từ những năm 1970 bằng cách dỡ bỏ tất cả các điều luật ưu tiên bảo hộ từ nhiều thập kỷ nay cho một vài ngành công nghiệp trước sự cạnh tranh của thị trường. Các ngành công nghiệp đó là vận tải, hàng không và viễn thông.
Sự cạnh tranh khốc liệt và hệ thống điều tiết này đã khích lệ những tiến bộ công nghệ, làm cho nền kinh tế Mỹ đạt được năng suất cao, mang lại thu nhập tương đối cao cho các hộ gia đình Mỹ. Năng suất của Mỹ đã tăng rất nhanh trong những năm 1990, đạt đỉnh cao 4,1% vào năm 2002. Tốc độ tăng trưởng này đã vượt qua Liên minh châu Âu và Nhật Bản, chủ yếu là do việc áp dụng công nghệ thông tin có hiệu quả hơn. Từ sau năm 2002, sản lượng công nghiệp của nước Mỹ đã giảm và chỉ còn 1,6% trong năm 2006.
Một nền kinh tế năng động dẫn đến việc ai cũng có quyền tự do thất bại. Tại nước Mỹ, thất bại trong kinh doanh không dẫn tới vết nhơ xã hội như tại một vài quốc gia khác trên thế giới. Trên thực tế, thất bại đôi khi còn được coi là một bài học kinh nghiệm quý giá đối với chủ công ty - người có thể gặt hái được những thành công sau đó.
Vào năm 2005, Chính phủ Mỹ đã ghi nhận một số lượng các công ty mới mở khổng lồ 671.800 công ty và có khoảng 544.800 công ty khác được chuyển nhượng. Nhiều công ty nhỏ, ít được biết đến cũng khởi nghiệp hàng năm, một số thì thành công một số thì thất bại.
Mười nghìn công ty phá sản mỗi năm và một vài công ty trong số đó phải ngưng hoạt động vĩnh viễn. Trong năm 2005, hơn 39.000 công ty thông báo phá sản.
Tại Mỹ, ngay cả các công ty lớn có danh tiếng cũng có thể thất bại. Trans World Airlines, United Air Lines, Delta Air Lines, Northwest Airlines, US Airways, Continental Airlines, Eastern Airlines, và Pan Am chỉ là một số đường bay thương mại lớn đã bị phá sản từ khi bãi bỏ quy định du lịch hàng không vào năm 1979 dẫn đến một sức ép cạnh tranh lớn trên thị trường. Một vài công ty đã hồi phục, một số khác mất đi mãi mãi, tài sản của họ bị các đối thủ cạnh tranh còn lại vơ vét bằng hết.
Một thước đo nữa về mức độ năng động của nền kinh tế Mỹ: trong số 12 công ty do Dow Jones niêm yết trong năm 1896 – khi nó đã tạo ra chỉ số chứng khoán nổi tiếng đại diện cho lĩnh vực công nghiệp, thì đến nay, chỉ còn một công ty - General Electric - vẫn nằm trong danh sách chỉ số Dow Jones. Các công ty khác đã biến mất do bị thôn tính bởi các đối thủ cạnh tranh, bị đẩy xuống hàng các công ty nhỏ hơn và trở thành những người chơi có vai trò kém quan trọng hơn trong nền kinh tế. Hoặc đơn giản là đã bị giải thể. Một vài công ty khác đã thay thế vị trí đứng đầu. Khi mới khởi nghiệp, những công ty này chỉ là những công ty nhỏ.
Vậy có phải chính lực lượng đông đảo các công ty nhỏ này đã giúp giải thích về tính năng động của nền kinh tế Mỹ hay không?


CÁC CÔNG TY LỚN NHỎ
Các công ty nhỏ - là những công ty có ít hơn 500 nhân viên - chiếm phần lớn trong nền kinh tế Mỹ. Chúng có thể thích ứng ngay với các điều kiện kinh tế và những nhu cầu thay đổi nhanh chóng của khách hàng, thông qua những giải pháp kỹ thuật sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề trong sản xuất. Đóng góp của chúng trong GDP là 50,7% trong năm 2004.
Cơ quan quản lý các công ty nhỏ Hoa Kỳ cho biết: “Trong số gần 26 triệu công ty tại Mỹ, đa số là các công ty rất nhỏ - 97,5% - có ít hơn 20 nhân viên. Các công ty này chiếm một nửa GDP và tạo ra 60 đến 80% tổng số việc làm mới trong thập kỷ qua”.
Nhiều chủ doanh nghiệp đã bắt đầu sự nghiệp của mình từ công việc hàn các chi tiết máy tại xưởng sửa chữa ôtô tại gia đình. Một số ít đã nhanh chóng mở rộng công việc kinh doanh và trở thành các tập đoàn lớn có quyền lực. Một vài ví dụ là: tập đoàn phần mềm Microsoft, tập đoàn dịch vụ chuyển phát Federal Express, nhà máy sản xuất quần áo thể thao Nike, nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến AOL và nhà làm kem Ben & Jerry’s.
Phụ nữ sở hữu và lãnh đạo nhiều công ty nhỏ. Trong năm 2002, số lượng công ty nhỏ do phụ nữ nắm quyền sở hữu chiếm 28% tổng số công ty, trừ các trang trại, và chiếm 6% tổng số lao động của Mỹ và 4% tổng doanh số bán.
Tại Mỹ, nhiều công ty nhỏ cũng được lãnh đạo bởi những người có xuất thân từ các nhóm dân cư thiểu số. Trong số tất cả các công ty phi nông nghiệp ở Mỹ vào năm 2006 thì 6,8% do người Mỹ gốc Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha, 5,2% do người Mỹ gốc Phi, 4,8% do Mỹ gốc Á, 0,9% do người Mỹ gốc da đỏ hoặc người Alaska bản địa và 0,1% do người Hawaii bản địa hoặc người bản địa thuộc vùng đảo Thái Bình Dương sở hữu.
Các công ty nhỏ thuê gần như đúng một nửa lực lượng lao động tư nhân ở Mỹ, khoảng 153 triệu người. Trong năm 2003, trung bình một công ty nhỏ có một địa điểm và 10 lao động; trong khi đó, một công ty lớn có trung bình 61 địa điểm và 3.300 nhân viên.
Nhiều công ty lớn và nhỏ của Mỹ được tổ chức như những tập đoàn có thương hiệu chung. Các tập đoàn được coi là một mô hình kinh doanh mang lại hiệu quả cao vì nó tích lũy được nhiều tiền để chi trả cho các hoạt động quảng bá và mở rộng quy mô.
Để tăng lượng tiền mặt có được, các công ty này bán cổ phần (quyền sở hữu tài sản) hoặc trái phiếu (một hình thức vay tiền) cho các nhà đầu tư. Các ngân hàng thương mại cũng trực tiếp cho các công ty lớn nhỏ vay tiền. Chính quyền trung ương và chính quyền các bang đưa ra những quy định chi tiết để đảm bảo hệ thống tài chính này hoạt động một cách lành mạnh và an toàn; đồng thời, cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin mà họ cần để đưa ra những quyết định sáng suốt.
Một tập đoàn lớn có thể sở hữu hàng triệu nhân viên trở lên, phần lớn các nhân viên này đều sở hữu cổ phần nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số giá trị cổ phiếu của công ty. Khoảng một nửa hộ gia đình Mỹ sở hữu cổ phiếu phổ thông một cách trực tiếp hoặc thông qua các qũy tương hỗ, hay qua các kế hoạch đầu tư trợ cấp hưu trí.
Christopher Cox, Trưởng ban Chứng khoán và Ngoại hối, đã nhận định vào năm 2007 trong bài phát biểu của mình: “Phần lớn lao động Mỹ có tham gia vào thị trường vốn. Sự thật này đang ngày một phổ biến - rằng điều gì tốt với các nhà đầu tư Mỹ thì cũng tốt đối với dân chúng Mỹ”.
Vì các cổ đông thường không tự mình quản lý công ty nên họ chọn ra một Hội đồng quản trị để đưa ra các quyết định quan trọng. Hội đồng quản trị lại giao phó công việc quản lý hàng ngày cho một Giám đốc Điều hành (CEO).
Nếu CEO được Hội đồng quản trị tín nhiệm và tin tưởng, anh ta/ cô ta thường được Hội đồng cho phép vận hành công ty một cách tương đối độc lập. Nhưng các cổ đông, nếu tập hợp đủ số lượng, có thể buộc Hội đồng quản trị phải thay thế CEO. Trong một số trường hợp đặc biệt đã xảy ra từ năm 2004 đến 2006, Hội đồng quản trị đã buộc CEO tại nhiều công ty lớn thôi việc vì lý do hành vi đạo đức hoặc do không đủ năng lực.
Phần lớn các công ty ở Mỹ đều có quy mô nhỏ, chỉ một vài công ty có quy mô rất lớn. Trong năm 2006, năm ghi nhận sự lên cao kỷ lục của giá dầu mỏ, Exxon Mobil Corporation đã đạt lợi nhuận hàng năm lên tới mức kỷ lục 39,5 tỷ đô-la – có nghĩa là lợi nhuận đạt hơn 75.000 đô-la trên một phút – với doanh thu là 347 tỷ đô-la. Wal-Mart đứng đầu danh sách các tập đoàn có doanh thu cao trong năm 2006 với 351 tỷ đô-la.
Nhưng có phải người lao động không phải là yếu tố mang lại sản lượng cao cho nền kinh tế Mỹ?


NGƯỜG LAO ĐỘNG VÀ SẢN LƯỢNG
“Mức sống cao của người Mỹ là nhờ vào một thực tế rằng người lao động Mỹ là một trong những lực lượng lao động có năng suất cao nhất trên thế giới, và tỷ lệ người tham gia lao động ở Mỹ cũng cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”, theo báo cáo của Hội đồng Cạnh tranh.
Theo dòng lịch sử của nước Mỹ, có thể thấy lực lượng lao động đã tăng trưởng rất nhanh theo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Người nhập cư là một lực lượng lao động quan trọng và đặc biệt tăng lên về số lượng trong các giai đoạn nước Mỹ có tỷ lệ thất nghiệp thấp và khi nhu cầu về lao động tăng lên.
Khoảng 146 triệu người đang làm việc tại Mỹ tính đến cuối năm 2006, đồng thời có 7 triệu người thất nghiệp. Với tổng số 153 triệu người thì lực lượng lao động của Mỹ có số lượng lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Gần 2/3 dân số trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động nam nữ là 50/50. Khoảng 15% trong số này là những lao động được sinh ra ở nước ngoài. Khoảng 5 đến 6% trong số họ có thể làm nhiều hơn một nghề.
Khu vực tư nhân sử dụng phần lớn lực lượng lao động của Mỹ - 85,5 %; chính phủ sử dụng phần còn lại.
Nhiều người là những lao động tự doanh, hơn 10 triệu vào năm 2005, mặc dù nhiều người trong số họ đã tận dụng thời gian để vừa làm thuê vừa làm công việc kinh doanh của riêng mình. Phần lớn trong số lao động Mỹ làm việc cho gần 6 triệu công ty. Đa số các công ty này chỉ có số nhân viên ít hơn 20 người.
Người lao động Mỹ rất linh hoạt. Số lượng việc làm tăng lên cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ xáo trộn - sự thay đổi việc làm của người lao động. Trung bình hàng năm có tới 10% tổng số công việc biến mất, đồng thời, một lượng lớn công việc mới lại được hình thành.
“Dữ liệu chỉ ra rằng mỗi tháng, hàng triệu người Mỹ thay đổi việc làm – phần lớn trong số đó là do họ tự nguyện – và hàng triệu công việc mới lại nảy sinh”, Robert Kimmitt, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã nhận định như vậy trong báo cáo năm 2006 của mình. “Đây là điều mà chúng ta mong muốn: một nền kinh tế trong đó mọi người đều luôn vận động nhằm có được nhiều cơ hội nhất để chọn lựa”.
Người lao động Mỹ thường không ở lâu trong tình trạng thất nghiệp. Vào năm 2005, chỉ 12% người Mỹ thất nghiệp không thể tìm lại việc làm trong năm đó, so với tỷ lệ 46% tại Liên minh châu Âu.
Góp phần tạo nên tính năng suất của lực lượng lao động Mỹ là trình độ giáo dục, bao gồm cả đào tạo kỹ thuật và đào tạo hướng nghiệp. Đi đôi với trình độ giáo dục cao còn là sự sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm và chấp nhận thay đổi.
Những thay đổi này bao gồm cả sự sẵn lòng di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tìm kiếm việc làm. Trong thế kỷ 18 và 19, người dân Mỹ đã di chuyển từ các vùng đất duyên hải tiến sâu vào đất liền để tăng diện tích đất trồng. Vào đầu thế kỷ 20, những người Mỹ gốc Phi đã rời khỏi các trang trại miền Nam để tìm kiếm việc làm trong các nhà máy ở khu vực thành phố miền Bắc.
Tất nhiên không phải tất cả người lao động đều thay đổi chỗ làm một cách tình nguyện. Một số đông lao động đã bị sa thải bởi các công ty lớn – 13.998 công ty đã sa thải nhân viên trong năm 2006. Từ cuối năm 2005 đến đầu năm 2007, ba công ty lớn trong ngành công nghiệp ô tô của Mỹ - General Motors Corporation, Ford Motor Company, và DaimlerChrysler AG đã sa thải hơn 90.000 lao động. Các hãng hàng không Mỹ cũng đã khiến 170.000 lao động mất việc làm kể từ tháng 8/2001 đến tháng 10/2006.
Mặc dù người lao động Mỹ có quyền tham gia các tổ chức công đoàn song chỉ có 12% trong tổng số lao động Mỹ là thành viên của các tổ chức công đoàn, giảm từ 35,5% vào thế kỷ trước.
Nhóm lớn nhất trong lực lượng lao động của Mỹ là gần 23 triệu người làm công việc văn phòng và các công việc trợ lý hành chính như trả lời điện thoại, thư ký, kế toán khách sạn,… Nhóm có mức lương trung bình cao nhất là hơn 80.000 đô-la/năm, thường làm công việc quản lý hoặc nghề luật. Nhóm có thu nhập thấp nhất – ít hơn 20.000 đô-la mỗi năm – làm việc trong các ngành dịch vụ và sơ chế thực phẩm.
Vậy vai trò của chính phủ trong nền kinh tế Mỹ là gì?


VAI TRÒ CỦA CHÍNH PHỦ
Nhiều người phàn nàn rằng sự điều tiết của chính phủ đối với nền kinh tế là quá ít ỏi và quá chậm chạp. Một số người khác lại cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn toàn được tự do vì có quá nhiều hành vi điều tiết của chính phủ. Những ý kiến trái ngược này đã gây ra các cuộc tranh luận kéo dài trong lịch sử kinh tế Mỹ với tiêu điểm là vai trò của chính phủ.
Tầm quan trọng của sở hữu tư nhân phù hợp với niềm tin vào tự do cá nhân của nước Mỹ. Từ khi giành được độc lập, người Mỹ đã luôn tìm cách hạn chế quyền lực của chính phủ thông qua các cá nhân, kể cả vai trò của nó trong giải quyết các vấn đề kinh tế. Và đa số người Mỹ vẫn cho rằng sở hữu tư nhân là hình thức ưu việt hơn so với sở hữu nhà nước trong việc tạo ra sản lượng kinh tế cao nhất.
Mặc dù vậy, phần lớn người dân Mỹ vẫn muốn chính phủ phải đảm nhận một vài nhiệm vụ nào đó trong nền kinh tế, và hệ thống luật pháp của nước Mỹ đã tạo ra một cơ sở lành mạnh để vận hành các hoạt động kinh doanh.
Các công ty – ít nhất là các công ty hợp pháp – cần phải được chính phủ cho phép hoạt động kinh doanh. Các tập đoàn cần phải được 1 trong 50 bang cho phép thành lập và hoạt động. (Hơn một nửa các tập đoàn của Mỹ được thành lập ở bang Delaware vì họ thích cơ chế quản lý của bang này). Các công ty cần phải có các loại giấy đăng ký, giấy phép và giấy cho phép hoạt động do chính quyền địa phương cấp.
Các công ty cũng cần hệ thống tòa án để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng chế thi hành các hợp đồng và giải quyết các tranh chấp thương mại.
Chính quyền địa phương bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Ví dụ như, chính quyền liên bang sử dụng các bộ luật chống độc quyền để kiểm soát và phá vỡ các nhóm độc quyền liên kết với nhau để có đủ sức mạnh nhằm thoát khỏi quy luật cạnh tranh. Chính quyền địa phương cũng giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng về gian lận thương mại và buộc thu hồi các sản phẩm nguy hại.
Chính quyền các bang điều tiết hoạt động của các công ty tư nhân nhằm bảo vệ sức khỏe dân chúng và bảo vệ môi trường. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ nghiêm cấm mọi loại thuốc có hại, còn Cơ quan Quản lý Y tế và An toàn thực phẩm thì bảo vệ người lao động trước các tai nạn nghề nghiệp.
Từ khi người Mỹ ý thức nhiều hơn về các ảnh hưởng đến môi trường do các ngành công nghiệp gây ra, Quốc hội Mỹ đã thông qua nhiều bộ luật để kiểm soát ô nhiễm không khí, đất và nước. Sự ra đời của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) năm 1970 đã tạo xung lực cho nhiều chương trình liên bang về bảo vệ môi trường. EPA đã đề ra và thực hiện các giới hạn ô nhiễm, đồng thời, xây dựng lịch trình để các ngành công nghiệp hạn chế ô nhiễm sao cho phù hợp với các quy chuẩn mới.
Chính phủ cũng đã giải quyết các vấn đề nghiêm trọng nảy sinh trong cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng trong lịch sử nước Mỹ - Cuộc Đại Suy thoái năm 1929-1940. Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ban hành Chính sách kinh tế xã hội mới để giải nguy cho nền kinh tế.
Nhiều bộ luật và thể chế điều tiết nền kinh tế Mỹ hiện đại đã kế thừa Chính sách Kinh tế xã hội mới của Roosevelt, ví dụ như mở rộng quyền lực liên bang trong hoạt động điều tiết và quản lý kinh tế và tạo ra sự thịnh vượng chung. Chính sách kinh tế xã hội mới đã xây dựng nên mức lương tối thiểu và giờ lao động tối thiểu. Nó cũng tạo ra các chương trình và các cơ quan mà cho đến nay, vai trò của chúng là không thể phủ nhận – trong đó có Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái có chức năng quản lý thị trường chứng khoán, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang có chức năng bảo hiểm các khoản tiền gửi ngân hàng và Hệ thống Bảo hiểm xã hội có chức năng cung cấp lương hưu dựa trên quá trình đóng tiền bảo hiểm của người lao động.
Với tất cả các điều luật của mình, trong năm 2007, nước Mỹ vẫn được Ngân hàng Thế giới xếp hạng ba trong số các quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất, sau Singapore và New Zealand. Tất cả 10 chỉ số xếp hạng đều liên quan ở một mức độ nào đó đến chính sách của chính phủ: khởi nghiệp, cấp giấy phép, thuê lao động, đăng ký tài sản, nhận tín dụng, bảo vệ các nhà đầu tư, trả thuế, buôn bán qua biên giới, cưỡng chế thực hiện hợp đồng và đóng cửa doanh nghiệp.
Chính sách của chính phủ có thể khuyến khích hoạt động kinh doanh. Ví dụ như, việc cắt giảm thuế không chỉ vì mục đích chung của các chủ sở hữu – 70% hộ gia đình Mỹ sở hữu cổ phần – mà còn tạo ra các cơ hội kinh doanh cho lĩnh vực nhà đất, xây dựng và các công ty tài chính thế chấp.
Chính quyền các bang tiến hành nghiên cứu và xây dựng. Chính quyền liên bang chỉ nghiên cứu và xây dựng chương trình thử nghiệm các hệ thống tên lửa, nhưng đồng thời cũng chú trọng đến việc đưa nước Mỹ thành trung tâm nghiên cứu sinh học của thế giới.
Chính quyền các bang có trách nhiệm hoàn tất các mục tiêu đề ra trong thương mại quốc tế. Các bang phải khuyến khích xuất khẩu các ngành công nghiệp của mình. Chính quyền liên bang có nhiệm vụ đàm phán để hàng hóa xuất khẩu được đánh thuế thấp hơn và hàng hóa nhập khẩu không còn bị ngăn cản bởi các rào cản thương mại từ phía nước ngoài nữa. Chính phủ cũng có nhiệm vụ bảo vệ các công ty Mỹ trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài.
Chính quyền các bang cung cấp một số dịch vụ công - như quốc phòng, hành chính tư pháp, giáo dục, bảo vệ môi trường, xây dựng đường xá, khai thác vũ trụ - là những lĩnh vực mà nhà nước tỏ ra là người thực hiện thích hợp hơn so với các công ty tư nhân.
Các bang cũng cần phải lưu tâm đến nhu cầu của các lực lượng thị trường. Chính quyền bang cũng chi trả bảo hiểm cho những người mất việc làm và cho vay lãi suất thấp đối với những người bị mất nhà cửa do thiên tai. Hệ thống bảo hiểm xã hội, được trả bằng thuế do người lao động và chủ lao động đóng góp, là nơi chi trả phần lớn lương hưu cho người dân Mỹ. Chương trình chăm sóc y tế cũng trả các chi phí y tế cho người già; Chương trình trợ giúp y tế chi trả chi phí y tế cho những gia đình có thu nhập thấp. Tại nhiều bang, chính quyền duy trì các bệnh viện tâm thần hoặc các trung tâm chăm sóc người tàn tật. Chính quyền liên bang cung cấp tem mua lương thực cho các gia đình nghèo. Chính quyền bang và liên bang cũng cung cấp các khoản trợ cấp để hỗ trợ các bậc cha mẹ có thu nhập thấp và con cái của họ.
Thế còn về vai trò định hướng kinh tế của chính phủ?


CHÍNH SÁCH VĨ MÔ
Chính quyền liên bang có vai trò tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế và nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, đặc biệt là duy trì được một mức giá chung ổn định và một gánh nặng thuế có thể quản lý được. Cục Dự trữ Liên bang, ngân hàng trung ương độc lập của Mỹ, quản lý lượng cung tiền và sự sử dụng tín dụng (chính sách tiền tệ), trong khi Tổng thống và Quốc hội điều chỉnh chi tiêu ngân sách và chi tiêu thuế (chính sách tài khóa).
Kể từ thời kỳ lạm phát trong những năm 1970, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang đã tập trung hơn nữa vào việc ngăn ngừa sự leo thang nhanh chóng của giá cả. Khi giá cả leo thang quá nhanh, Cục Dự trữ Liên bang sẽ hành động để giảm tăng trưởng kinh tế thông qua giảm lượng cung tiền, do đó, phải tăng lãi suất ngắn hạn.
Khi nền kinh tế xuống dốc quá nhanh, hoặc ngược lại, Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lượng cung tiền, làm giảm lãi suất ngắn hạn. Cách thức phổ biến nhất làm thay đổi mức lãi suất ngắn hạn, được gọi là các nghiệp vụ thị trường mở, là mua hoặc bán cổ phiếu chính phủ trong các nhóm nhỏ của các ngân hàng lớn hoặc của các đại lý trái phiếu.
Một tình huống đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ phải khéo léo là tình trạng lạm phát đình trệ xuất hiện khi nền kinh tế suy giảm trong khi lạm phát tăng quá nhanh.
Sự hữu ích của chính sách tài khóa là đề tài tranh luận lâu nay của các học giả và các chính trị gia. Một vài người nhìn nhận các chi tiêu chính phủ là quá nhỏ để có thể tạo ra một cú huých cho nền kinh tế Mỹ, mặc dù các dự án đặc biệt quan trọng có thể gây ra những tác động lớn. Một số chuyên gia lại cho rằng cần tăng lợi ích kinh tế thông qua cắt giảm thuế. Số khác thì ủng hộ quan điểm tổn hại kinh tế do vay mượn chính phủ.
Điều gì xảy ra khi kinh tế Mỹ tăng trưởng ?


GIAI ĐOẠN BIẾN ĐỔI
Từ một quốc gia đang phát triển với đa phần là các trang trại quy mô nhỏ vào 200 năm trước, nước Mỹ đã trở thành trung tâm chế tạo của thế giới vào thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Vào đầu thế kỷ 21, nước Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về chế tạo và cung cấp dịch vụ.
Và với vị trí dẫn đầu trong những tiến bộ nhanh chóng về sản lượng và doanh số bán, nền kinh tế Mỹ vẫn luôn tiếp tục thay đổi. Sản lượng tiếp tục tăng lên trong hoạt động thương mại quốc tế và thương mại nội địa. Nhiều hoạt động buôn bán cũng diễn ra tại các siêu thị giá rẻ và qua Internet.
Từ nhiều thập kỷ nay, các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đã bán hàng hóa và dịch vụ cho các khách hàng nước ngoài thông qua các chi nhánh nước ngoài. Hiện nay, xu hướng này đang tăng lên, các công ty đa quốc gia là một chỉnh thể kết hợp lao động, vốn, các nguồn lực tự nhiên từ các đơn vị trong nước và các nhà cung cấp trên khắp thế giới, nhằm làm tăng tính hiệu suất của chi phí tại các giai đoạn sản xuất và quảng bá khác nhau. Càng ngày, thương mại quốc tế càng được cấu thành bởi nhiều hàng hóa trung gian với mục đích được chế biến tinh hơn.
Một báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia năm 2006 đã cho biết “số lượng và loại hàng hóa đang được trao đổi qua biên giới đã thay đổi rất nhiều… Khả năng và mong muốn ngày càng lớn của các công ty trong việc phân tách các khâu của quá trình sản xuất – thiết kế tại một nơi, chế tạo phụ tùng tại một nơi, lắp ráp ở nước thứ ba – đã phản ánh sức cạnh tranh, tiền lương và lao động của nước Mỹ”.
Với khách hàng ở nhiều quốc gia, các công ty đa quốc gia của Mỹ hiện đang có hơn một phần tư tổng doanh thu bán có nguồn gốc từ các chi nhánh nằm bên ngoài nước Mỹ. Doanh thu bán của các chi nhánh nước ngoài này lớn gấp hơn 3 lần tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của nước Mỹ.
Một thay đổi khác là sự mới nổi lên của thương mại điện tử, phương thức mua bán hàng hóa và dịch vụ qua Internet. Thương mại điện tử chiếm 3% tổng doanh số bán lẻ của nước Mỹ vào cuối năm 2006, trong khi đó, tỷ lệ này chỉ là 1% vào năm 1999.
Các đường dây trực tuyến đang thay đổi giá trị của cải của các ngành công nghiệp. Những tờ báo lớn đang tìm cách chỉ ra phương thức kiếm tiền mới trên các trang web khi mà tất cả mọi người đều có thể truy cập với quá nhiều thông tin miễn phí trên Internet.
Một sự biến đổi nữa đang xảy ra trong hoạt động bán lẻ là sự gia tăng của các dây chuyền bán lẻ bao gồm những cửa hàng quy mô cực lớn bán hàng nghìn sản phẩm tại các khu bán hàng rộng lớn với mức giá thấp hơn rất nhiều so với mức giá tại các cửa hàng quy mô nhỏ.
Thay đổi sâu sắc trong ngành công nghiệp âm nhạc phản ánh sự cạnh tranh từ thương mại điện tử và các cửa hàng quy mô siêu lớn. Doanh số bán đĩa compact có xu hướng giảm từ năm 2000, lại tiếp tục giảm 13% vào năm 2006 và còn giảm với tốc độ nhanh hơn vào đầu năm 2007. Các cửa hàng bán lẻ đĩa nhạc phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các nguồn trực tuyến hợp pháp (ví dụ như Apple Inc.'s ITunes Store) và phi pháp (có hàng tỷ bài hát được tải xuống mỗi tháng từ các tệp bài hát trên mạng mà không cần trả bản quyền). Họ cũng phải đối phó với sức ép cạnh tranh từ chuỗi các cửa hàng bán giảm giá các đĩa CD được ưa chuộng nhất. Chuỗi cửa hàng bán đĩa nhạc nổi tiếng Tower Records đã phải phá sản và đóng cửa các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ trong năm 2006, nhưng tập đoàn Tower vẫn tiếp tục hoạt động bán đĩa CD và các bài hát tải riêng lẻ từ mạng trực tuyến.
Rất khó để suy đoán xem nền kinh tế Mỹ sẽ đương đầu với những thay đổi này như thế nào – ngay cả khi nó đã được định nghĩa và đánh giá ra sao.
Đâu là những thách thức mà kinh tế Mỹ đang phải đương đầu?


RẮC RỐI Ở PHÍA TRƯỚC VÀ RẮC RỐI Ở PHÍA SAU
Nền kinh tế Mỹ không chỉ có những sức mạnh nền tảng mà còn có cả các khó khăn căn bản.
Cục Tình báo Liên bang Hoa Kỳ đã tóm tắt về các điều kiện kinh tế của gần 200 quốc gia. Sau đây là những gì mà Báo cáo Thực tế Thế giới năm 2007 đã nhận định về nền kinh tế của chính nước Mỹ: “Các khó khăn trong dài hạn bao gồm việc đầu tư không thích hợp vào cơ sở hạ tầng, việc tăng lên nhanh chóng của các chi phí y tế và trợ cấp cho một dân số già, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, khoảng cách giàu nghèo lớn giữa các hộ gia đình có thu nhập cao và các hộ gia đình có thu nhập thấp trong nền kinh tế”.
Tuy nhiên, cũng giống như sức mạnh kinh tế của nước Mỹ, các khó khăn kinh tế này cũng sẽ được giải quyết theo thời gian.
Ví dụ như vấn đề bất bình đẳng trong thu nhập. Nước Mỹ đứng thứ 10 trên thế giới về thu nhập bình quân đầu người mỗi năm (có điều chỉnh để phản ánh ngang giá sức mua ở các nước khác) - khoảng 43.500 đô-la trong năm 2006, đứng sau Bermuda, Luxembourg, Jersey, Guinea Xích đạo, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Na Uy, Guernsey, Cayman Islands, và Ailen; nhưng đứng cao hơn tất cả các nền kinh tế lớn khác.
Tuy nhiên, sự phân phối thu nhập tại Mỹ cũng mang tính bất bình đẳng nhất trong số tất cả các nền kinh tế lớn. Thậm chí nó còn đang trở nên nghiêm trọng hơn qua nhiều thập kỷ. Vào năm 2004, theo Cơ quan Ngân sách của Quốc hội, thu nhập của nhóm hộ gia đình có thu nhập cao nhất của nước Mỹ đã chiếm tới 53,5% tổng thu nhập của người dân Mỹ, trong khi đó, thu nhập của nhóm hộ gia đình nghèo nhất chỉ chiếm có 4,1%. Riêng nhóm 1% đứng đầu đã có thu nhập chiếm 16,3% tổng thu nhập toàn quốc, tăng gấp 3 lần so với tỷ lệ này vào những năm 1960-1970.
Trong khi thu nhập tăng lên đối với tất cả các hộ gia đình Mỹ thì phần lớn lại thuộc về nhóm có thu nhập cao nhất.
Theo Hội đồng Cạnh tranh, nhóm 60% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất chỉ có được ít hơn 10% lượng tăng thu nhập thực tế trong giai đoạn từ 1986 đến 2005, trong khi thu nhập của nhóm đứng đầu đã tăng lên 32,5% và tăng lên 49% đối với nhóm 5% có thu nhập cao nhất.
Đâu là lý do giải thích cho 2/3 thị trường lao động này? Quan điểm phổ biến nhất là lực lượng lao động thuộc nhóm dưới có trình độ giáo dục và kỹ năng thấp hơn nhóm đứng đầu. Đồng thời, những thay đổi công nghệ và sức ép cạnh tranh do lực lượng lao động trả công thấp trong nền kinh tế toàn cầu khiến cho người lao động thuộc nhóm này tại Mỹ phải chịu nhận thu nhập và phúc lợi thấp.
Các con số thống kê này ẩn giấu những đổi thay nhanh chóng trong thu nhập của người dân Mỹ. Thu nhập của nhiều người Mỹ đã tăng và giảm theo thời gian. Ví dụ như, từ năm 1989 đến năm 1998, 47% hộ gia đình thuộc nhóm dưới đã có thu nhập giảm đi. Trong tổng số tất cả các hộ gia đình, khoảng 60% được chuyển lên các nhóm cao hơn hoặc chuyển xuống các nhóm thấp hơn trong giai đoạn này.
Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã ghi nhận mối nguy hiểm tiềm tàng đối với nền kinh tế Mỹ do mức thu nhập đình trệ của nhóm người có thu nhập thấp nhất gây ra.
Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke đã nói trong bài phát biểu năm 2007 của mình rằng: “Nếu chúng ta không đặt ra giới hạn về những nguy cơ suy giảm thu nhập của những người phải chịu ảnh hưởng của các thay đổi kinh tế thì có thể phần lớn dân chúng sẽ không còn sẵn lòng chấp nhận những thay đổi năng động nữa, mà chính sự năng động này lại là lực đẩy cho các tiến bộ kinh tế”.
Người Mỹ lâu nay vẫn có cảm giác hòa trộn về sự giàu có và nổi tiếng. Những doanh nhân năng nổ nhất lúc thì được coi như những thủ lĩnh của ngành công nghiệp, lúc lại bị nguyền rủa như những tên trùm kẻ cướp. Ngày nay, những người giàu có nhất trong những người giàu có đều là những nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí và thể thao. Họ được tung hô bởi dân chúng – là những người sẵn sàng trả tiền để nâng cao vị thế cho các thần tượng ngôi sao của mình.
Và trong tất cả những điều này, vấn đề năng lượng được nước Mỹ giải quyết như thế nào?


CÒN VẤN ĐỀ NĂNG LƯỢNG
Nền kinh tế Mỹ tiêu thụ rất nhiều năng lượng – 99,89 triệu tỷ Btu (đơn vị nhiệt lượng Anh) trong năm 2005. Gần như tất cả năng lượng được sản xuất tại Mỹ đã được tiêu thụ hết, ngoài ra, nước Mỹ còn nhập khẩu rất nhiều năng lượng.
“Khí đốt tự nhiên – than đá, dầu mỏ và khí gas thiên nhiên - hiện đang cung cấp hơn 85% năng lượng được tiêu thụ tại Mỹ - có nghĩa là gần 2/3 lượng điện của chúng ta và gần như toàn bộ xăng dầu dùng trong vận tải”, theo báo cáo của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.
Bộ Năng lượng cũng dự báo rằng sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ vào khí đốt sẽ còn có xu hướng gia tăng trong nhiều thập kỷ tới: “ngay cả khi chúng ta xây dựng, triển khai và phát triển công nghệ tái tạo và công nghệ nguyên tử”.
Dưới 8% nguồn cung cấp năng lượng cho nước Mỹ là từ năng lượng nguyên tử và dưới 6% là từ công nghệ tái tạo, chủ yếu là từ thủy điện và khí vi sinh.
Hiện nay giá năng lượng trên thế giới đang tăng cao do nhu cầu tăng lên, đặc biệt là ở các nền kinh tế tăng trưởng mạnh như Trung Quốc và Ấn Độ. Đồng thời, các nguồn cung cấp năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ, lại đang bị cắt giảm dưới sự kiểm soát của các công ty quốc doanh nằm bên ngoài những nền kinh tế lớn.
Gần một phần ba nguồn cung năng lượng của Mỹ được nhập khẩu, trong đó, gần 2/3 là dầu mỏ. Trong năm 2006, nền kinh tế Mỹ đã tiêu thụ trung bình 20,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm gần ¼ lượng cung trên toàn thế giới. Sự phụ thuộc của nước Mỹ vào dầu mỏ từ bên ngoài đã trở thành một vấn đề chính trị vô cùng quan trọng.
“Chỉ cần có những biến động nhỏ trong lượng cung dầu, hay thậm chí chỉ cần lượng cung dầu thế giới bị ngắt quãng trong giây lát cũng có thể là nguyên nhân gây ra những khó khăn về mặt kinh tế cho hàng chục triệu người Mỹ”, theo báo cáo từ Hội đồng Lãnh đạo An ninh Năng lượng.
Tiết kiệm năng lượng bằng cách tăng hiệu suất và phát triển các nguồn cung năng lượng khác ngoài dầu mỏ là mục tiêu chính sách của nước Mỹ, nhưng việc đạt được một sự đồng thuận chính trị để đạt được những mục tiêu này mới là vấn đề khó giải quyết.
Hiện nay, kinh tế Mỹ đã bắt đầu đạt được tính hiệu suất trong sử dụng năng lượng. Hiện kinh tế Mỹ chỉ sử dụng một nửa lượng dầu mỏ để sản xuất ra một đô-la GDP (có tính đến lạm phát) so với lượng dầu mỏ nước Mỹ phải tiêu thụ để sản xuất ra một đô-la GDP vào những năm 1970 – giai đoạn khủng hoảng dầu mỏ. Lý do là gì? Là do nước Mỹ đã mở rộng các khu vực kinh tế ít phụ thuộc vào dầu mỏ, tăng tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu đối với ôtô và giảm hẳn việc sử dụng dầu mỏ thay thế cho điện năng.
Tuy vậy, vào năm 2004, tính hiệu suất trong sử dụng năng lượng của Mỹ vẫn chưa bằng các nền kinh tế lớn khác, trừ Trung Quốc.
Bộ luật năng lượng năm 2005 được Quốc hội thông qua đã đưa ra nhiều sáng kiến khác. Ví dụ như hình thức bảo đảm tiền vay, giảm thuế, trợ cấp cho các ngành công nghiệp năng lượng (bao gồm cả năng lượng nguyên tử, khí vi sinh như ethanol và khai thác dầu mỏ). Khai thác than đá sạch cũng là một mục tiêu quan trọng, vì nước Mỹ có nguồn cung cấp than rất lớn. Bộ Luật này cũng đã đưa ra mức giảm thuế hạn chế cho các cải tiến hiệu suất sử dụng năng lượng và cho việc mua các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng.
Vì những lý do kinh tế và môi trường, chính quyền các bang, đặc biệt là California, còn đi xa hơn chính quyền liên bang trong mục tiêu tăng các chuẩn mực về hiệu suất sử dụng năng lượng trong các công ty, tại gia đình và đối với các phương tiện giao thông.
Cho đến nay, chính quyền liên bang, chính quyền các bang và chính quyền địa phương vẫn đang tìm mọi cách để đảm bảo an toàn năng lượng cho nền kinh tế.
Đầu tư nước ngoài có đặt ra thách thức đối với nền kinh tế Mỹ hay không?


ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Nhiều nhà kinh tế cho rằng ngoài thách thức về sự phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ, nước Mỹ còn phải đương đầu với thách thức về các dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ đổ vào nước Mỹ khiến cho lãi suất tiết kiệm trong nước luôn bị duy trì ở mức thấp.
Mặc dù nước Mỹ đã phát triển thịnh vượng, song người lao động vẫn có mức nợ hộ gia đình cao và đang có xu hướng tăng lên. Theo thống kê chính thức, một số lãi suất tiết kiệm đang ở trạng thái dương đã chuyển sang trạng thái âm trong một vài năm kể từ năm 2000. Lần đầu tiên kể từ Cuộc Đại suy thoái năm 1930, các hộ gia đình Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn so với số tiền họ kiếm được sau khi đã trừ đi thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, chính quyền liên bang cũng đang phải đối mặt với bội chi ngân sách – 435 tỷ đô-la trong năm 2006 - phần lớn được chi trả từ các ngân hàng trung ương nước ngoài. Nợ nhà nước của chính quyền liên bang Mỹ là khoảng gần 9 nghìn tỷ đô-la, ước tính chiếm 65% GDP, bằng tỷ lệ này của Pháp và Đức, nhỏ hơn rất nhiều so với tỷ lệ này ở Nhật Bản và Italia.
Tuy nhiên, các quốc gia nước ngoài - đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và các nước sản xuất dầu mỏ - đã có bài học kinh nghiệm về hiện tượng dư thừa tiết kiệm. Các ngân hàng tư nhân và trung ương, các thể chế khác – ngay cả ở các nước đang phát triển như Trung Quốc với rất nhiều người nghèo – cũng đã rót những khoản tiền khổng lồ vào thị trường Mỹ.
“Các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài đổ vào Mỹ dường như có tốc độ tăng nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng của nước Mỹ và cao hơn so với tốc độ tăng đầu tư nước ngoài tại bất kỳ nơi nào khác trên thế giới là do hệ thống tài chính Mỹ đã phát triển ở trình độ cao và do tính ổn định của nền kinh tế Mỹ”, Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội đã nhận định như vậy.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Phục vụ Quốc hội (CRS), các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 10% tổng tài sản tài chính của nước Mỹ, bao gồm cổ phiếu công ty, trái phiếu và cổ phiếu chính phủ. Họ cũng đầu tư trực tiếp vào các công ty thiết bị và thị trường bất động sản của Mỹ.
Vào năm 2006, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư gần 1,8 nghìn tỷ đô-la vào nền kinh tế Mỹ, khoảng 184 tỷ đô-la trong số đó là đầu tư trực tiếp, phần còn lại là đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu. Với các cách tính toán khác nhau thì tổng lượng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Mỹ trong năm 2005 là từ 1,6 nghìn tỷ đến 2,8 nghìn tỷ đô-la Mỹ.
“Hoa Kỳ là quốc gia có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào lớn nhất trên thế giới và cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trên thế giới”, theo CRS.
Nhiều chuyên gia lo ngại về tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế Mỹ của các chính phủ nước ngoài, khoảng 16% tổng vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2005.
Các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn một nửa chứng khoán kho bạc của Mỹ. Trong năm 2006, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ sở hữu dài hạn cao nhất các chứng khoán kho bạc, khoảng 644 tỷ đô-la, sau đó là Trung Quốc với khoảng 350 tỷ đô-la.
Nhiều ngành công nghiệp Mỹ và các đại diện của họ trong Quốc hội khẳng định rằng các ngân hàng trung ương ở Đông Á đang sử dụng chứng khoán kho bạc Mỹ để thao túng tỷ giá hối đoái, làm tăng lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
“Đồng thời, các chính phủ nước ngoài đang thực hiện hoạt động thôn tính, thông qua phối hợp hoặc hành động riêng lẻ, nhằm tác động lên tỷ giá hối đoái của đồng đô-la”, CRS nhận định.
Nhiều chuyên gia e sợ rằng việc các chính phủ nước ngoài nhanh chóng nhượng lại tài sản đầu tư trên nước Mỹ của họ sẽ gây ra rắc rối nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới. Các chính phủ thù địch nước ngoài có thể lôi kéo và vận động rút tiền hàng loạt ra khỏi các thị trường chứng khoán tại Mỹ nhằm gây bất ổn cho nền kinh tế Mỹ. Hoặc các chính phủ nước ngoài có thể quyết định đầu tư tiền của họ vào nơi khác khi mà giá trị tài sản của họ tại Mỹ bắt đầu suy giảm.
Ngoài ra, các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Mỹ còn làm cho lãi suất và giá cả tại Mỹ thấp hơn mức thông thường, gây ra một làn sóng tiêu dùng hàng hóa một cách ồ ạt, bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu. Ngoại trừ năm 1991, thâm hụt tài khoản thanh toán vãng lai của Mỹ đã tăng dần từ khoảng 12 tỷ đô-la năm 1982 lên 856,7 tỷ đô-la năm 2006.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới: “Thâm hụt tài khoản thanh toán vãng lai của nước Mỹ được thanh toán chủ yếu từ thặng dư tài khoản thanh toán vãng lai của Trung Quốc và mức tăng đầu tư từ các nhà xuất khẩu dầu mỏ chính”.
Vào cuối năm 2005, các nhà đầu tư Mỹ có khoảng 9,6 nghìn tỷ đô-la tài sản ở nước ngoài, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài có khoảng 12,5 nghìn tỷ đô-la tài sản ở Mỹ. Như vậy, có thể thấy tài sản đầu tư quốc tế ròng của Mỹ trong năm 2005 đạt âm 2,8 nghìn tỷ đô-la.
Trong năm 2006, lần đầu tiên kể từ khi đầu tư quốc tế ròng của Mỹ âm vào năm 1986, các nhà đầu tư nước ngoài thu được lợi nhuận nhiều hơn trên đất Mỹ so với lợi nhuận mà các nhà đầu tư Mỹ kiếm được ở nước ngoài.
Theo như Hội đồng Cạnh tranh đã tổng kết: “Để vấn đề trở nên đơn giản, các khoản tiết kiệm nước ngoài được dùng để chi trả cho tiêu dùng của Mỹ khiến cho xuất khẩu nước ngoài tăng lên. Trong ngắn hạn, tình hình này có lợi cho cả hai bên nhưng ẩn chứa nguy cơ tiềm tàng về khủng hoảng tài chính toàn cầu”.
Vậy thì đâu là vấn đề tiếp theo đối với nền kinh tế Mỹ?


TƯƠNG LAI PHÍA TRƯỚC
Tất nhiên tăng trưởng kinh tế không phải là mãi mãi. Từ năm 1854, nền kinh tế Mỹ đã trải qua 32 chu kỳ tăng trưởng và suy thoái. Trong giai đoạn hiện đại, chu kỳ tăng trưởng trở nên dài hơn và chu kỳ suy thoái trở nên ngắn hơn, 10 chu kỳ từ năm 1945 đến 2001, trung bình mỗi chu kỳ tăng trưởng là 57 tháng, mỗi chu kỳ suy thoái là 10 tháng. Nếu tính cả 32 chu kì để so sánh thì trung bình chu kỳ tăng trưởng là 32 tháng còn chu kì suy thoái là 17 tháng.
Tiếp tục tăng sản lượng - sản lượng trên mỗi người lao động và trong một giờ lao động – là cách duy nhất để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế và tăng thu nhập. Tuy nhiên, sản lượng của nền kinh tế Mỹ đang giảm dần từ sau khi đạt đỉnh cao vào năm 2002.
Mối quan ngại của tầng lớp lao động trung lưu ở Mỹ về an toàn chỗ làm đang tăng lên hơn bao giờ hết, khi mà họ phải đối mặt với các thay đổi nhanh chóng về công nghệ, với sức ép cạnh tranh từ lao động nước ngoài sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp. Trong khi phần lớn các nhà kinh tế ủng hộ lợi ích thu được từ thương mại thì một số ít người (nhưng số người này đang có xu hướng tăng lên) lại cảnh báo về nguy cơ mất việc làm của hàng chục triệu người Mỹ và nước Mỹ có thể sẽ bị mất hàng loạt ngành công nghiệp.
Thế nhưng việc rút khỏi tiến trình hội nhập với nền kinh tế thế giới là một điều không tưởng. Thương mại 2 chiều về hàng hóa và dịch vụ đang chiếm 27% GDP của Mỹ năm 2005, tăng từ 11% vào năm 1970. Chỗ làm của ít nhất 12 triệu lao động Mỹ hiện đang phụ thuộc vào xuất khẩu.
Trong khi nhiều người lao động Mỹ phải đối mặt với các thách thức lớn phía trước thì không gì quan trọng hơn là phải tăng cường đầu tư hơn nữa vào giáo dục và đào tạo, từ đó, có cái nhìn lạc quan rằng nước Mỹ sẽ duy trì được vị thế cao nhất trong nền kinh tế toàn cầu nhờ vào sức mạnh tiềm tàng của nó và tính dễ thích ứng với mọi đổi thay.
“Việc nước Mỹ sẽ đóng một vai trò ít quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu là một điều không thể tránh khỏi do những thay đổi về cấu trúc giữa các quốc gia trên thế giới”, Hội đồng Cạnh tranh đã nhận định như vậy. “Nhưng không có lý do gì để nước Mỹ không thể tiếp tục duy trì vị trí là quốc gia thịnh vượng nhất hành tinh”.


DANH MỤC THUẬT NGỮ
Tài sản:các giá trị mà công ty sở hữu, thường được đánh giá bằng tiền
Cán cân thương mại: là một phần trong cán cân thanh toán của một quốc gia, thể hiện trạng thái giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu xuất khẩu hàng hóa đạt giá trị cao hơn nhập khẩu, thì cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư; nếu giá trị nhập khẩu cao hơn xuất khẩu thì cán cân thương mại ở trạng thái thâm hụt.
Trái phiếu: một văn bản hợp lệ trong đó công ty cam kết trả cho trái chủ (người giữ trái phiếu) vào ngày đáo hạn trái phiếu một khoản tiền cố định cộng với lãi định kỳ của trái phiếu.
Thâm hụt ngân sách: khoản tiền chính phủ chi tiêu mỗi năm lớn hơn thu nhập của chính phủ trong năm đó.
Thặng dư ngân sách: khoản tiền chính phủ chi tiêu mỗi năm thấp hơn thu nhập của chính phủ trong năm đó.
Vốn:trang thiết bị hữu hình (nhà xưởng, thiết bị, kỹ năng lao động) được sử dụng trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Vốn cũng ám chỉ các loại cổ phiếu công ty, chứng khoán nợ và tiền mặt.
Tư bản chủ nghĩa: hệ thống kinh tế trong đó các phương tiện sản xuất thuộc quyền sở hữu tư nhân và do tư nhân kiểm soát, hệ thống kinh tế này vận hành theo quy luật cạnh tranh và mục đích lợi nhuận.
Ngân hàng Trung ương: cơ quan tiền tệ cơ bản của một quốc gia, có các chức năng chính là phát hành tiền tệ và điều tiết lượng cung tín dụng trong nền kinh tế.
Ngân hàng thương mại: cung cấp các tài khoản tiền gửi, bao gồm séc, tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn; cung cấp các khoản vay cho cá nhân và công ty – không giống như các công ty ngân hàng đầu tư (ví dụ như các công ty môi giới chứng khoán) thường chỉ có vai trò thực hiện trao đổi chứng khoán công ty và chứng khoán nhà nước.
Cầu:tổng số hàng hóa và dịch vụ mà khách hàng sẵn lòng mua và có khả năng mua tại tất cả các mức giá có thể trong một khoảng thời gian nhất định.
Đại suy thoái: sự sụt giảm nghiêm trọng và kéo dài trong hoạt động kinh tế nói chung.
Phi điều tiết: chính phủ dỡ bỏ kiểm soát đối với một ngành công nghiệp.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones: chỉ số giá chứng khoán dựa trên 30 chứng khoán hàng đầu, đây là một chỉ số phối hợp thường được sử dụng để đánh giá xu hướng của giá chứng khoán và trái phiếu tại Mỹ.
Tăng trưởng kinh tế: tăng năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia.
Thương mại điện tử: hoạt động mua bán qua mạng Internet toàn cầu.
Tỷ giá hối đoái: tỷ giá hoặc mức giá mà tại đó đồng tiền của một quốc gia được trao đổi với đồng tiền của một quốc gia khác.
Xuất khẩu: hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nước và được bán cho khách hàng nước ngoài.
Hệ thống dự trữ liên bang: cơ quan tiền tệ quan trọng (ngân hàng trung ương) của Mỹ, có chức năng phát hành tiền tệ và điều tiết lượng cung tín dụng trong nền kinh tế. Nó bao gồm một Hội đồng Thống đốc gồm 7 thành viên đóng tại thủ đô Washington, 12 Ngân hàng dự trữ liên bang ở các vùng và 25 chi nhánh.
Chính sách tài khóa: quyết định của chính quyền liên bang về tổng số tiền chi tiêu trong một năm và tổng số tiền thu được từ thuế, nhằm giảm thất nghiệp và đảm bảo nền kinh tế phi lạm phát.
Thương mại tự do: không có các quy định và mức thuế ngăn cản thương mại giữa các quốc gia.
Tổng sản phẩm quốc nội: tổng giá trị sản lượng đầu ra, thu nhập hoặc chi tiêu của một quốc gia thực hiện bên trong đường biên giới của quốc gia đó.
Vốn con người: sức khoẻ, sức mạnh, giáo dục, đào tạo, và kỹ năng mà người lao động sử dụng trong công việc của họ.
Nhập khẩu: hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại một quốc gia khác nhưng được bán trong thị trường nội địa.
Lạm phát: tỷ lệ tăng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ. (Không nên nhầm lẫn với tăng giá của một số hàng hóa cụ thể khi so sánh với giá cả của các hàng hóa khác).
Quyền sở hữu trí tuệ: quyền sở hữu sáng chế, thương hiệu, bản quyền tác giả, liên quan đến việc sở hữu, sử dụng, hoặc chuyển nhượng các sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ của con người.
Đầu tư:mua chứng khoán, ví dụ như cổ phiếu hay trái phiếu.
Lực lượng lao động: ở Mỹ, lực lượng lao động là tổng số người được thuê làm việc hoặc đang tìm việc.
Thị trường: nơi người mua và người bán thiết lập giá cả cho các sản phẩm tương tự hoặc đồng nhất, sau đó trao đổi hàng hóa và dịch vụ.
Kinh tế thị trường: nền kinh tế quốc gia của một nước, dựa trên các lực lượng thị trường để xác định mức sản lượng, tiêu dùng, đầu tư và tiết kiệm mà không có sự can thiệp của chính phủ.
Chính sách tiền tệ: các biện pháp can thiệp của hệ thống dự trữ liên bang nhằm tác động tới khả năng thanh toán và chi phí của tiền tệ và tín dụng. Chính sách tiền tệ được sử dụng như một công cụ làm tăng việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả và làm nền tảng cho hoạt động trao đổi quốc tế.
Cung tiền: tổng số tiền (tiền xu, tiền giấy, tài khoản séc) đang lưu hành trong nền kinh tế.
Quỹ tương hỗ: một công ty đầu tư cung cấp các loại cổ phiếu mới và mua theo yêu cầu các cổ phiếu hiện hành, đồng thời, sử dụng vốn của mình để đầu tư vào các chứng khoán khác nhau. Tiền được gom từ các cá nhân và Quỹ tương hỗ sẽ nhân danh các cá nhân này để đầu tư vào nhiều danh mục chứng khoán.
Chính sách Kinh tế xã hội mới: Chương trình cải cách kinh tế của Mỹ vào những năm 1930, nhằm đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc Đại suy thoái.
Hàng rào phi thuế: các biện pháp của chính phủ - ví dụ như các hệ thống giám sát nhập khẩu và các biện pháp phi thuế khác nhằm hạn chế nhập khẩu hoặc nhằm hạn chế thương mại quốc tế.
Năng suất: lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra trên mỗi một đơn vị đầu vào (nguồn lực sản xuất) trong một khoảng thời gian nhất định.
Chủ nghĩa bảo hộ: sử dụng và khuyến khích các biện pháp hạn chế nhập khẩu, với mục đích bảo hộ cho các nhà sản xuất không có hiệu quả nội địa trước sức ép cạnh tranh của các nhà sản xuất nước ngoài.
Ngang bằng sức mua: tỷ lệ chuyển đổi thành một đồng tiền chung có khả năng cân bằng hóa sức mua của các đồng tiền khác.
Suy thoái: sụt giảm nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế và trong một khoảng thời gian nhất định.
Quy định, điều tiết: quy tắc và luật lệ được các cơ quan nhà nước ban hành, bao gồm các quy định hay các điều luật cụ thể, phù hợp với luật pháp liên bang, nhằm điều chỉnh và tổ chức một số hoạt động hay một vài ngành công nghiệp cụ thể.
Doanh thu:số tiền các công ty thu được nhờ bán hàng hóa và dịch vụ.
Chứng khoán: giấy chứng nhận (chứng khoán ghi danh) hoặc các ghi chép điện tử (lưu ký chứng khoán) về quyền sở hữu cổ phần (cổ phiếu) hoặc nghĩa vụ nợ (trái phiếu).
Ủy ban Chứng khoán và Sở giao dịch: một cơ quan điều tiết độc lập phi đảng phái và bán tư pháp, có trách nhiệm quản lý thi hành các bộ luật chứng khoán liên bang. Mục đích của các bộ luật này là bảo vệ các nhà đầu tư và đảm bảo rằng họ được cung cấp tất cả các thông tin minh bạch về những chứng khoán đang được lưu chuyển trên thị trường.
Dịch vụ:các hoạt động kinh tế - ví dụ như giao thông vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, viễn thông, quảng cáo, giải trí, xử lý số liệu, tư vấn - thường được sản xuất và tiêu dùng đồng thời, khác với hàng hóa (có tính chất hữu hình cao hơn).
Chủ nghĩa xã hội: hệ thống kinh tế trong đó các phương tiện sản xuất thường thuộc quyền sở hữu và được kiểm soát tập thể (thường do nhà nước sở hữu và quản lý), vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung.
Quy định xã hội: các hạn chế do nhà nước đặt ra để hạn chế hoặc cấm hành vi gây hại (ví dụ như làm ô nhiễm môi trường hoặc đẩy người lao động vào môi trường làm việc nguy hiểm) hoặc để khuyến khích các hành vi tốt có lợi cho xã hội.
Bảo hiểm xã hội: một chương trình trợ cấp của Mỹ cung cấp phúc lợi cho người về hưu dựa trên quá trình đóng bảo hiểm của chủ lao động và của bản thân người lao động khi họ còn làm việc.
Đình trệ kinh tế: một trạng thái kinh tế trong đó lạm phát tăng cao nhưng hoạt động sản xuất lại đình trệ.
Cổ phiếu: giấy sở hữu cổ phiếu trong tài sản của một công ty.
Sở giao dịch chứng khoán: một thị trường có tổ chức để mua bán cổ phiếu và trái phiếu.
Trợ cấp:một khoản lợi kinh tế, trực tiếp hoặc gián tiếp, do chính phủ cấp cho các nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước, thường có mục đích làm tăng vị thế cạnh tranh của các nhà sản xuất này trước các công ty nước ngoài.
Cung:lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà các nhà sản xuất sẵn lòng bán và có khả năng bán tại tất cả các mức giá trong một khoảng thời gian nhất định.
Thuế quan: thuế đánh trên hàng hóa được vận chuyển từ khu vực hải quan này sang một khu vực hải quan khác vì mục đích bảo hộ hoặc tăng ngân sách.
Thâm hụt thương mại: khoản tiền nhập khẩu vượt quá xuất khẩu của một quốc gia.
Thặng dư thương mại: khoản tiền xuất khẩu vượt quá nhập khẩu của một quốc gia.
***


----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét