sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://lifetv.vn/news-view/xa-hoi-sang-tao-va-hien-dai-hoa
Sáng tạo là động lực thúc đẩy sự phát triển của lịch sử. Điều này là quy luật trong tất cả các thời đại trước đây. Tuy nhiên, đến thời kỳ phát triển cao của chủ nghĩa tư bản, vai trò quyết định của sáng tạo đối với sự phát triển của từng con người, từng dân tộc và toàn thể nhân loại trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Kinh tế thị trường hoạt động dựa trên nguyên lý cạnh tranh, hệ giá trị tôn trọng tự do và mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Để những điều này vận hành hợp luân lý, nó thúc đẩy con người triển khai tối đa năng lực sáng tạo của mình. Sáng tạo, vì thế, ngày nay, không chỉ là thuộc tính của những cá nhân mà còn là thuộc tính của những xã hội đã trưởng thành – xã hội sáng tạo.
Từ cuối thế kỷ trước, Việt Nam đã cố gắng đưa đất nước “tiến thẳng vào hiện đại” với những ngành công nghiệp như ôtô – xe máy, đóng tàu biển, và gần đây là đường sắt cao tốc, mà chưa nhận thức chính xác tầm quan trọng của sự nghiệp hiện đại hoá các kỹ thuật nền tảng.“Xã hội sáng tạo” là xã hội có một tầng lớp sáng tạo chuyên nghiệp, những người mà công việc của họ nhắm đến mục đích chủ đạo là cải tiến cái cũ và tạo ra cái mới trong lĩnh vực của mình, tuỳ theo quy mô và tầm vóc của thành quả sáng tạo mà góp phần thúc đẩy sự thay đổi của xã hội loài người theo hướng ngày càng tiến bộ hơn. Xây dựng xã hội sáng tạo là xây dựng tầng lớp sáng tạo chuyên nghiệp này trong lòng xã hội.
Nếu thiếu tầng lớp sáng tạo, một quốc gia có thể duy trì sự “tăng trưởng” trong một giai đoạn không dài, nhưng không thể tạo ra sự “phát triển”. Tầng lớp sáng tạo chuyên nghiệp là lực lượng chủ chốt tạo ra các giá trị mới cho nền kinh tế, văn hoá, giáo dục và chính trị của một quốc gia, là chìa khoá để một dân tộc có thể tiến hoá đột biến, phát triển dựa trên sáng tạo, thay vì sống dựa vào bán sức lao động và tài nguyên thiên nhiên giá rẻ cho những dân tộc sáng tạo hơn. Đẳng cấp của một dân tộc, do đó, phụ thuộc phần lớn vào đẳng cấp của tầng lớp sáng tạo chuyên nghiệp của nó.
Động lực để hình thành xã hội sáng tạo là nền công nghiệp đã trưởng thành. Để xây dựng một xã hội sáng tạo, trong trường hợp Việt Nam, do đó, cần xây dựng hệ thống kỹ thuật nền tảng cho nền công nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống kỹ thuật nền tảng này chỉ có thể định hình cùng với những hệ giá trị tinh thần tương ứng, những hệ giá trị được xây dựng và lan toả từ bên trong cấu trúc của nền giáo dục và chính trị.
Nền tảng kỹ thuật của xã hội sáng tạo.
Một quốc gia không thể xây dựng được nền công nghiệp bản địa nếu không phát triển đồng bộ hệ thống kỹ thuật nền tảng. Ví dụ, trong văn kiện Đại hội Đảng XI có nói đến việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam. Nếu cương quyết thực hiện dự án này, thì cần phải dùng nó như một cơ hội để phát triển năng lực sáng tạo của người Việt Nam. Nó cần bắt đầu bằng việc xây dựng hệ thống kỹ thuật nền tảng của ngành đường sắt. Nếu không, phần lớn khoản tiền vay nợ khổng lồ sẽ trả ngược lại kẻ cho vay, không trở thành động lực phát triển cho chính con người Việt Nam.
Ngày nay, ngành công nghiệp đường sắt cần đến kỹ thuật xây dựng dân dụng, kỹ thuật luyện kim, kỹ thuật điều khiển tự động, kỹ thuật vô tuyến điện tử, cơ khí, điện tử công suất (power electronics), reliability engineering (ngành kỹ thuật nghiên cứu tính đáng tin cậy của hệ thống khi được vận hành theo một quy ước kỹ thuật định trước), kỹ thuật hệ thống công nghiệp (systems engineering) v.v. như một hệ thống các kỹ thuật nền tảng để có thể xây dựng và sáng tạo.
Kỹ sư Việt Nam được cho là giỏi cải tiến, nhưng nếu không có hệ thống kỹ thuật nền tảng, họ không thể thực hiện những cải tiến có tính đột phá. Nhật Bản, nhờ có đầy đủ nền tảng kỹ thuật ấy, nên trở thành một đại quốc về công nghiệp đường sắt, nơi mà các thế hệ kỹ thuật đường sắt mới được sáng tạo không ngừng. Nếu không có hệ thống kỹ thuật nền tảng phát triển đồng bộ, các ý tưởng mới về kỹ thuật khó có thể ra đời, và nếu có ra đời, cũng khó có thể được hiện thực hoá.
Từ cuối thế kỷ trước, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã cố gắng đưa đất nước “tiến thẳng vào hiện đại” với những ngành công nghiệp thời thượng như ôtô – xe máy, đóng tàu biển, và gần đây là đường sắt cao tốc, mà chưa nhận thức chính xác tầm quan trọng của sự nghiệp hiện đại hoá các kỹ thuật nền tảng – chặng đầu tiên của con đường xây dựng các ngành công nghiệp thời thượng ấy – như kỹ thuật đúc khuôn, luyện kim, cơ khí chính xác v.v. Điều đó không khác việc cố gắng ươm một mầm sen giữa không trung.
Tinh thần của thời đại sáng tạo
Không nên nghĩ rằng chỉ cần “du nhập” hệ thống kỹ thuật nền tảng là có thể xây dựng được tầng lớp sáng tạo. Việc du nhập kỹ thuật, tự nó sẽ không khác việc ngắt một đoá sen từ đầm sen về nhà cắm vào một bình nước. Đoá sen sẽ tàn, vì nó không tồn tại như một sinh mệnh tự lập. Hoa sen cần có đầm lầy. Cũng vậy, tầng lớp sáng tạo chuyên nghiệp chỉ có thể định hình trong lòng một xã hội tôn trọng giá trị tự do và dân chủ, đề cao tinh thần duy lý và khoa học. Mỹ, quốc gia có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất và kinh tế hùng mạnh nhất, là quốc gia mà những giá trị của xã hội sáng tạo được xiển dương sâu đậm nhất trong nền chính trị, giáo dục, và truyền thông của nó. Ở châu Á, Singapore là điển hình một quốc gia có quy mô nhỏ, không đủ cả nước ngọt và đất đai để trồng đủ lương thực, nhưng các giá trị của một xã hội sáng tạo đã giúp nó tiến hoá thành quốc gia của “thế giới thứ nhất”.
Việt Nam nhìn ra thế giới bên ngoài khi đã có rất nhiều dân tộc, sau nhiều chặng đường sáng tạo và tiến hoá, đã vượt xa chúng ta một khoảng cách không thể tính bằng năm tháng, mà phải tính bằng thời đại. Để không bị bỏ rơi bên lề của lịch sử thế giới đương đại, Việt Nam cần kiến thiết những nền tảng tinh thần mới, những hệ giá trị mới, để có thể phát triển một hệ thống kỹ thuật nền tảng hiện đại, và, trên cơ sở đó, xã hội sáng tạo sẽ tự nó sinh thành.
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét