Nông dân sáng tạo để đại gia vớ tiền tỷ

Người đăng: yeu mai em on Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013


sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://m.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/109179/nong-dan-sang-tao-de-dai-gia-vo-tien-ty.html
Những tuyệt thế trong nghệ thuật chơi cây ở Việt Nam, những cây triệu đô, tiền tỷ… thường do những đại gia sở hữu. Tuy nhiên, người làm ra những tác phẩm đó, chính là những người nông dân. Ở họ, còn hơn cả tiền, sức sáng tạo của họ thật phi thường.
Đến bất cứ triển lãm cây cảnh, cây nghệ thuật nào…, những cây cảnh đẹp được đánh giá cao hầu hết đều do các đại gia sở hữu. Tuy nhiên, người làm ra những tác phẩm này mới chính là chủ nhân thật sự.
Cây cảnh "Mâm xôi con gà”.
Giới chơi cây nức nở về cây "Mâm xôi con gà" triệu đô, nhưng đại gia Việt Trì – ông Thành vàng chỉ là người bỏ tiền ra mua về. Nguyên gốc, cây sanh này bị phá thế nằm trên cổng của một dòng họ vùng Quốc Oai (Hà Nội).
Người phát hiện ra và mua về là ông Cường “họa sỹ”, một cái tên không xa lạ trong làng chơi cây.
Sau một thời gian chăm sóc, nuôi nấng, tạo dáng, ông Cường “họa sỹ” là người gây dựng nên thương hiệu của "Mâm xôi con gà".
Tại cuộc triển lãm sinh vật cảnh kỷ niệm sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, "Mâm xôi con gà" là tâm điểm thu hút hàng ngàn người tới xem
Tuy nhiên, ý tưởng “Mâm xôi con gà” này lại thuộc về “bản quyền” của một người nông dân, khi ông là người trồng cây này từ ban đầu và đặt cái tên “Mâm xôi con gà” để mong ước một cuộc sống no đủ.
“Cuộc đời” của cây cảnh "mâm xôi con gà" cũng là một câu chuyện dài đầy lý thú.
Trước năm 1996, cây sanh này thuộc sở hữu của dòng họ Phạm ở thôn Ngô Sài, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Cây sanh vốn mọc trên cổng làng Ngô Sài không biết từ bao giờ, vào khoảng giữa những năm đầu của thế kỷ trước, các bô lão trong làng đã hạ cây xuống.
Cụ thân sinh ra ông Phạm Văn Tình vốn là người yêu thích cây cảnh đã mang về trồng cạnh hòn non bộ bằng đá ong trước nhà và chính cụ là người tạo thành dáng “Mâm xôi, con gà”, thể hiện mơ ước của những nông dân thời đó.
Khi ông cụ qua đời, cây sanh thuộc về các con ông, anh em nhà họ Phạm do ông Phạm Văn Tình là trưởng họ. Nhưng vì là tài sản chung và cũng là ý thích chơi cây cảnh của dòng họ nên các con trai cụ đã chia thời gian để các nhà cùng chơi, mỗi người chơi 3-4 tháng rồi lại chuyển sang nhà khác.
Một "siêu cây" khác cũng thuộc sở hữu của một đại gia.
Lúc này, cây sanh đã ôm trọn hòn non bộ (hiện vẫn còn dấu tích của hòn đá ong này).
Tháng 8/1996, ông Tình bỏ tiền ra xây cho người em trai căn nhà cấp 4, cây sanh mới thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của ông. Đó cũng là lúc ông Cường họa sĩ có duyên mua được cây này.
Khi mới mua cây về, vì “nóng ruột” nên chưa kịp chụp hình, Cường “họa sỹ” đã mang cưa kéo ra “sửa chữa” ngay, nên không lưu lại được hình ảnh ban đầu của "mâm xôi con gà".
Nhưng, khi ấy, “siêu cây” là một cây sanh già, thối hết bệ rễ, thân trực, nhiều rễ ôm thành vách, cách gốc chừng 1m có rất nhiều cành đan xen chằng chịt tạo thành tán tròn tượng trưng cho "mâm xôi", phía trên ngọn là một "con gà" trống đứng sừng sững như đang chuẩn bị cất tiếng gáy.
Hàng loạt câu chuyện như một giai thoại về cây "mâm xôi con gà" đã kéo dài suốt 8 năm trời. Sau 8 năm chỉnh sửa, tạo dáng, cây sanh này đã trở thành cây quý, được nhiều người mến mộ.
Tháng 6/2004, ông Cường đã nhượng lại cho anh Nguyễn Văn Quý ở Trạm Trôi. Cuối cùng, ông Thành 'vàng' đã thuyết phục ông Quý chuyển nhượng lại bằng quyết định từ bỏ ý định mua chiếc xe Rolls-royce (khoảng 6 tỷ thời điểm đó) để chuyển sang mua cây, vì thấy cây quá đẹp.
Câu chuyện về cây sanh “giáng long phá thế” của anh nông dân Nguyễn Văn Khởi (thôn Trà Khê, xã Tân Lập, Vũ Thư, Thái Bình) cũng đầy kỳ lạ.
Nó không chỉ giúp anh đổi đời mà còn khiến những đại gia khác thêm giàu có.
Năm 2004, anh Khởi sang đất Nam Định mua cây sang giáng long của một chủ tịch xã với giá khởi điểm ban đầu là… 75 triệu đồng. Sau 6 năm “phù phép”, cây xanh của anh đã lên giá gấp 50 lần, khi có người “dạm hỏi” tiền tỷ!
Cây "khủng" này được anh Khởi trồng trên một chiếc bể xây trên mặt sân, chiều rộng 3m, chiều dài 6m, trên trang trí non bộ, thả cá, rùa... và kiến tạo không gian quê kiểng, có cả cầu bắc qua những rãnh nước giả sông, suối.
Tuổi đời của cây này chừng trên trăm tuổi. Tại các tay cành đã lên mốc hoa cau. Sở dĩ có cái tên “giáng long phá thế”, bởi nó có một cái rễ chủ rủ từ trên tán rủ xuống, tựa như một bệ đỡ cho “long giáng”.
Để chăm sóc tài sản khổng lồ này, anh phải bắc thang, bắc ghế xung quanh cây những lúc chăm sóc, cắt tỉa. Điều lạ lùng ở bể cây "khủng" là một năm vào gần dịp Tết, anh tỉa hết lá, thế mà chỉ sau một tuần, lớp lá non mới nhú đã phủ kín những đầu cành...
Năm 2011, Nguyễn Văn Khởi nhượng cây “giáng long phá thế” cho một đại gia kinh doanh nhựa bên đất Nam Định với giá gần 3 tỷ đồng. Chưa kịp về đến nhà, vị đại gia này đã “sang tay” cho một đại gia khác dưới đất Hải Dương với mức con số được đồn đoán từ 5 – 7 tỷ.
Cây Giáng long phá thế của anh nông dân Nguyễn Văn Khởi đất Trà Khê, Tân Lập, Vũ Thư, Thái Bình
Một thông tin khác cho biết, cây này tiếp tục được nâng lên giá 11 tỷ - một con số mà chính chủ nhân sở hữu, tạo dựng cho nó có lẽ cũng không dám nghĩ đến.
Đối với giới chơi cây, sự nhạy cảm của họ lớn hơn rất nhiều sự may mắn, bởi những người thạo chơi, tinh mắt thường ngay lập tức đánh giá được tiềm năng của cây đó trong tương lai, cũng như giá trị tài sản bỏ ra mua nó sẽ lớn hơn gấp nhiều lần số vốn bỏ ra ban đầu.
Có lẽ, những người tạo dựng, chăm bón… ra những tuyệt tác đó mới là những chủ nhân thực sự.
Sức sáng tạo của họ mới thực sự phi thường, hơn cả những con số triệu đô mà những người sở hữu bằng cách bỏ tiền ra mua về.
Bởi, nhiều người ngay khi mua được cây quý, vẫn tiếp tục thuê chủ cũ đến chăm sóc, cắt tỉa, vì họ không biết làm cây như thế nào.



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link

BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét