sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://yhoc360.com/31938/ket-noi-sang-tao-vo-bo-ben
Thời trang - một sản phẩm thương mại điển hình nhưng thông qua cách marketing đặc thù của nó là show trình diễn thời trang với dàn chân dài cuốn hút, đã trở thành văn hóa với sức sáng tạo và nghệ thuật tuyệt vời, luôn kích thích cảm hứng vô tận của con người. Bằng chứng là lần đầu tiên ở Việt Nam thời trang đã se duyên với âm nhạc và bóng đá Ý.
Những người nước ngoài đến Ý bình luận rằng, phụ nữ Ý ăn mặc rất phong cách ngay cả khi họ đi chợ và theo thời gian thì đàn ông Ý cũng học theo. Ngày càng có nhiều nam giới Ý sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho thời trang đi làm, đi dự hội, đi chơi hay trong nhiều hoàn cảnh khác. Vì thế mà ngành thời trang phát triển và ảnh hưởng lớn trên toàn cầu. Ở Ý, bạn khó tìm thấy người đàn ông hay phụ nữ nào mà không bị ảnh hưởng bởi thời trang. Thời trang ở Ý được đam mê rất mạnh mẽ.
Người mẫu Thúy Hương, Ngọc Hân. Ảnh: Việt Anh
Tối 22/10 nhân sự kiện Tuần văn hóa Ý - Việt tại Hà Nội, một cuộc trình diễn thời trang đặc biệt nhất từ trước đến nay diễn ra tại Khách sạn Hanoi Daewoo kết hợp giữa thời trang, âm nhạc và bóng đá. Bên cạnh bộ sưu tập thời trang Ý thương hiệu nổi tiếng BVLGARY được trình diễn thì bộ sưu tập của NTK Minh Hạnh cũng ra mắt, lấy ý tưởng từ nghệ thuật, âm nhạc và bóng đá Ý.
Show diễn độc đáo này là sự kết nối Ý với Việt Nam, đó là sự giao thoa quan trọng trong văn hóa. Thời trang là văn hóa, bởi một khía cạnh căn bản nằm sau phần hình thức của thời trang là những giao diện văn hóa. Nhiều năm trước, người Việt đa phần coi thời trang là xa xỉ, định kiến rằng chúng ta nghèo thế, ăn chưa đủ sao lại chú ý đến thời trang? Giờ đây, định kiến đó đã bị xóa nhòa khi xã hội ta nhận thấy thời trang mang lại cả giá trị vật chất và tinh thần cho con người.
Văn hóa Ý đã ảnh hưởng tới tâm lý, cuộc sống người dân Việt như thế nào? Phong cách kiến trúc mà người Pháp xây ở Việt Nam lại xuất phát từ phong cách Baroque, Romance, Gothic, Phục hưng do người Ý lập nên. Đi đến đâu trên thế giới, nghệ thuật của Ý bao gồm âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc... cũng đều nhanh chóng thuyết phục được dân bản địa. Ở Việt Nam, chúng ta cũng tôn vinh những thần tượng như Leonard De Vinci, Sophia Loren, Robert De Niro... Những sản phẩm của Ý khác như xe Scooter, Ferrari nhờ những phong cách nghệ thuật đậm chất Ý mà thuyết phục chúng ta.
Trong thời trang, những thương hiệu Ý như Valentino, Miu Miu, Prada, Ferragamo, Bvlgari... với tinh thần, chất lượng, phong cách Ý đã ăn vào tiềm thức người Việt như những thương hiệu hàng đầu đáng mơ ước. Thậm chí khi nghĩ đến Ý là ta nghĩ đến phong cách mà ta muốn được chinh phục và bị chinh phục trở lại. Đó là thẩm thấu văn hóa, giao diện trong quá trình trao đổi nghệ thuật, cảm xúc với nhau. Nói một cách hình tượng thì phong cách Ý như đại bàng bao trùm lên tâm lý người tiêu dùng Việt Nam. Hệ quả là một số nhà sản xuất hàng may mặc của VN đã cố công sản xuất hàng nội địa phong cách Ý: San Sciaro (Việt Tiến), Mattana (May Nhà Bè)… Những nhà sản xuất này muốn rằng họ sẽ chinh phục được thị trường nội địa thành công nhờ ảnh hưởng của phong cách Ý.
Tuy nhiên, thời trang Việt cũng cần vượt qua những tồn đọng để đến với văn minh thời trang. NTK Minh Hạnh qua cuộc trình diễn này muốn gửi thông điệp rằng: “Không để tự mình hạn chế mình bằng suy nghĩ đời sống mình nghèo khó, vì đó là sai lầm. Muốn được là người thành công ta phải có phong cách. Là NTK, tôi muốn tiệm cận và đi cùng sự phát triển của thời trang thế giới. Quan điểm có thể thay đổi, nhưng sự phối hợp mà ta không đủ bản lĩnh sẽ đánh mất mình. Việt Nam có nền văn hóa lâu đời, khi kết nối với nền văn hóa khác thì hãy chọn những nền văn hóa như Pháp, Ý bởi đó là những phong cách văn hóa đã sống mạnh mẽ qua nhiều niên đại”.
Nói đến Ý là nói đến thời trang, các NTK Việt có thể tận dụng những điểm mạnh thời trang Ý để phát triển thời trang Việt bằng kỹ nghệ thời trang đúng đắn. Bởi cũng theo NTK Minh Hạnh thì “Thời trang là không có biên giới”.
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét