sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://www.tinmoi.vn/dien-dan-ceo-quoc-te-doi-moi-mo-hinh-kinh-doanh-de-ton-tai-01722845.html
More about →
Hôm qua, diễn đàn quốc tế dành cho lãnh đạo doanh nghiệp được tổ chức tại Hà Nội. Đây là diễn đàn quốc tế đầu tiên dành riêng cho các lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp tại Việt Nam., mở rộng ra khu vực và thế giới.
Diễn đàn lần này lấy chủ đề “Mô hình kinh doanh mới trên nền tảng phát triển bền vững”. Đổi mới mô hình kinh doanh để tồn tại và cạnh tranh cũng chính là bài toán mà các doanh nghiệp Việt Nam đang trăn trở tìm lời giải lúc này khi năm 2012 được dự báo là một năm đầy khó khăn.
Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2012 sẽ là một năm có tính chất bước ngoặt với các doanh nghiệp Việt Nam. Môi trường kinh doanh sẽ có những biến động khó lường khi không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang chuyển mình tái cơ cấu. Theo ông Nguyễn Trí Dũng, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp, chủ tịch công ty NIDC (Nhật Bản), một điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là suy nghĩ rụt rè nhưng lập kế hoạch lại quá lạc quan, do đó khi thực hiện khó đạt được kế hoạch.Ông Nguyễn Trí Dũng phát biểu: “Tôi cho rằng chúng ta phải làm ngược lại điều đó. Khi suy nghĩ, ai cấm ta nghĩ lớn, phải rất lạc quan. Đi vào kế hoạch phải bi quan, tính toán rất kỹ. Đến khi thực hiện, không có lí do để lại bi quan”.
Không chỉ thay đổi tư duy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh của mình. Năm 2012, Mỹ và châu Âu - hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ khó khăn, do đó, gợi ý chuyển hướng sang chính các thị trường mới nổi là điều đáng cân nhắc.
Tiến sĩ Michael Teng Yeow Heng, TGĐ công ty Corporate Turnaround Centre cho rằng: “Nên nhắm vào các thị trường mới nổi. Có một lượng dân số lớn trong giới trung lưu Ấn Độ, Trung Quốc không quá giàu như giới trung lưu Âu Mỹ nhưng họ có sức mua đáng kể. Có thể thiết kế các sản phẩm phù hợp với văn hóa, cắt giảm các chi tiết không cần thiết nhằm giảm giá bán để phục vụ giới trung lưu này”.
Biến thách thức thành cơ hội luôn là nhiệm vụ của mỗi doanh nhân. Một trong các thách thức lớn của năm 2012 là việc dân số thế giới vượt qua 7 tỷ người. Đây là áp lực lớn cho thị trường lương thực thế giới, nhưng cũng có thể trở thành cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
“Đất đai trồng trọt hạn chế, áp lực lương thực bị đe dọa trên toàn cầu. Việt Nam ta có lợi thế rất lớn. Tôi nghĩ lợi thế này người VN không thể bỏ qua được. Giá lương thực có thể tăng vài lần hoặc vài chục lần. Đó là lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam phải nghĩ đến”, ông Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh.
Nhiều quỹ đầu tư có mặt tại diễn đàn nhìn nhận, đây là thời điểm tốt cho các thương vụ mua bán doanh nghiệp tại Việt Nam khi chi phí bán doanh nghiệp đã xuống thấp. Đại diện quỹ đầu tư của Singapore chia sẻ mong muốn trở thành đối tác của những doanh nghiệp Việt Nam quản trị tốt, có sản phẩm mang tính quốc tế để cùng phát triển ra thế giới.