Nhà sáng chế tạo nên sự phồn thịnh

Người đăng: yeu mai em on Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn dẫn http://www.cic32.com.vn/Tin-Tuc/Nha-sang-che-tao-nen-su-phon-thinh.Detail.820.aspx
Thời cận đại, châu Âu vươn được lên đỉnh cao một phần là nhờ công lao của những nhà sáng chế, phát minh, những người nhiều khi bị coi là lập dị nhưng lại dám nghĩ, dám làm, tạo ra cái mới thay vì bắt chước, dập khuôn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
LTS: Lịch sử nằm trong tay những người biết ước mơ, dám ước mơ và sáng tạo không ngừng để theo đuổi ước mơ. Sự phồn thịnh, dù của mỗi quốc gia hay của toàn thế giới, đều phụ thuộc vào sức sáng tạo của con người.
Chiến tranh là cha đẻ của mọi vật và là mẹ đẻ của phần lớn sáng chế phát minh. Trong những trận đánh lớn của lịch sử thế giới, đội quân được trang bị công nghệ chiến tranh theo kiểu dập khuôn, bắt chước đơn thuần không thể giành thắng lợi trước kẻ thù cũng có trang bị tương tự.
Muốn chiếm được các thành phố hay thôn tính các quốc gia, những người chỉ huy tối cao của quân đội luôn đòi phải có các loại vũ khí có độ chính xác cao hơn, xe cộ có tốc độ lớn hơn và thiết bị chiến tranh phải tối tân hơn. Vì vậy các sáng chế phát minh thường trước hết nhằm phục vụ mục đích quân sự sau đó mới áp dụng vào lĩnh vực dân sự. Điều này có thể chứng minh qua máy hơi nước, công nghệ computer cho tới Internet ngày nay.
Sự tiến bộ của nền kinh tế là do các nhà sáng chế phát minh tạo dựng chứ không phải nhờ những kẻ dập khuôn, bắt chước. Điều này có thể gây ngạc nhiên. Vì đáng ra bắt chước, dập khuôn thường rẻ hơn, đơn giản hơn so với việc suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo ra cái mới.
Kẻ bắt chước tiết kiệm được chi phí, tránh được các sai phạm và rủi ro, đây là những yếu tố luôn gắn liền với sự đổi mới. Kẻ bắt chước, tức những kẻ đi theo bầy đàn, đáng ra có nhiều cơ may tồn tại hơn so với những người đi tiên phong, những người dám mày mò tìm kiếm trên những lĩnh vực còn mới mẻ và lạ lẫm, luôn phải đối mặt với nhiều điều bất an và nguy hại.
Bỏ lối mòn để theo đường mới. Tuy nhiên kẻ nào không dám đương đầu với thử thách, kẻ đó sẽ không thể đạt được thành công mỹ mãn, mãi mãi là kẻ chạy theo và không bao giờ có thể vươn lên vị trí hàng đầu. Kẻ đó không bao giờ giành được chiến công trong chiến trận hay gặt hái thành công trong lĩnh vực kinh tế.
Niềm hy vọng giành chiến công quân sự, quyền lực chính trị, lợi nhuận kinh tế hoặc sự tôn trọng của xã hội trong lịch sử thế giới luôn là động cơ mạnh mẽ đối với những kẻ đi chinh phục và với các nhà thám hiểm, sáng chế, phát minh. Họ bị thôi thúc trong cuộc đấu tranh để tồn tại, vì sự say mê mạo hiểm, sẵn sàng chịu rủi ro và luôn phấn đấu để có thành tựu. Họ không chịu đi theo lối mòn thông thường và luôn vươn tới những con đường mới mẻ.
Vô vàn cải tiến và đổi mới đã đưa nhân loại từng bước đi lên về kinh tế - từ một nền kinh tế nông nghiệp đơn giản kéo dài hàng nghìn năm tiến lên thời đại công nghiệp - và cuối cùng trong những thập niên gần đây bước vào xã hội dịch vụ vô cùng phức tạp, xã hội tri thức hay còn gọi là xã hội công nghệ. Song song với đổi mới kỹ thuật là sự đổi mới về thể chế. Ở đây có vấn đề vẫn chưa rõ ràng, đó là: "con gà có trước hay quả trứng có trước", tiến bộ kỹ thuật đã thúc đẩy tiến bộ về thể chế hay ngược lại.
Máy hơi nước, động cơ, năng lượng điện, hệ thống vận tải và hệ thống truyền thông có độ bao phủ ngày càng rộng lớn giúp tiến hành mạnh mẽ hơn sự phân công lao động và chuyên môn hóa ở thời kỳ đầu thời đại công nghiệp. Từ một xã hội với nền kinh tế hàng đổi hàng trở thành một nền kinh tế tiền tệ. Nền kinh tế tiền tệ đòi hỏi phải có những giải pháp mới, sự sáng tạo của ngành tài chính và tín dụng.
Từ đó ra đời các ngân hàng, các hãng bảo hiểm. Kéo theo nó là sự ra đời của những điều luật mới nhằm bảo đảm quyền lợi của người mua hàng và kẻ bán hàng. Các hệ thống chính trị về phân chia quyền lực phải làm sao để luật pháp phát huy được chức năng của nó. Qua đó có thể thấy tác động mang tính dây chuyền của các sự kiện và những đổi mới về kỹ thuật và thể chế đã dẫn đến sự phát triển vượt bậc về kinh tế có một không hai trong lịch sử trong vòng hai trăm năm qua.
Vì sao Trung Quốc mất vị trí số 1? Quá trình công nghiệp hóa vô cùng mạnh mẽ đã diễn ra ở châu Âu chứ không phải ở Trung Quốc (TQ), phải chăng đây là một ngẫu nhiên lịch sử hay điều tất yếu về chính trị, kinh tế? Cách đây khoảng 200 năm TQ còn là một đế chế, tự xưng là trung tâm thế giới và châu Âu chẳng qua chỉ là vệ tinh của TQ. TQ vượt xa châu Âu hàng trăm năm về công nghệ.
Danh sách sáng chế, phát minh của TQ thật vô cùng ấn tượng: giấy viết, nghề in ấn, thuốc súng, các thiết bị quang học và hàng hải như la bàn, thiết bị đo địa chấn và các biện pháp kỹ thuật hiện đại về thủy lợi, hệ thống kênh mương, hệ thống đê điều, xây dựng cầu cống, đường giao thông vv... Nhưng sau đó TQ đã đánh mất khả năng sáng tạo tuyệt vời của mình và châu Âu bước lên vị trí hàng đầu. Tại sao?
Nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng David S. Landes đưa ra ba câu trả lời: thứ nhất, vì khác với châu Âu, TQ không có thị trường tự do và không thể chế hóa sở hữu tư nhân; thứ hai, nền kinh tế TQ là một nền kinh tế tập trung chứ không tổ chức theo hình thức phi tập trung; và thứ ba, khi bước vào giai đoạn đầu thời kỳ hiện đại, TQ thiếu những con người kiên quyết, dám dấn thân giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp, dường như người TQ hồi đó quan niệm khư khư bám lấy cái cũ còn hơn là canh tân, đổi mới.
Không phải đế chế đồ sộ bậc nhất thế giới, tổ chức theo kiểu tập trung hóa cao độ, hưởng những lợi ích do những phát minh về kỹ thuật hay những kiến thức mới mang lại mà là châu Âu bị xé lẻ bởi rất nhiều vương quốc, tiểu vương quốc, nơi các nhà cầm quyền đã sớm nhận ra rằng, hãy để cho thần dân của mình hưởng ít nhiều quyền tự do và ban tặng cho họ tài sản, nhưng thu thuế từ những gì mà nguồn tài sản đó đem lại. Điều này chắc chắn hay hơn việc gây áp lực về chính trị và buộc độc quyền về sở hữu, điều này sẽ dẫn đến triệt tiêu khả năng sáng tạo của thần dân.
Sự thần kỳ của châu Âu thời cận đại. "Sự thần kỳ của châu Âu" ra đời một phần nhờ bạo lực diễn ra trên đường phố, từ đó mang lại sự thay đổi cơ bản về cách nhìn. Thời kỳ khai sáng và cuộc cách mạng Pháp đã làm mất các nhà nước thống nhất với những nhà chuyên chế độc tài và tôn giáo thống nhất. Thay vào đó là sự phân quyền và quyền con người, quyền công dân và quyền tự do. Các nhà doanh nghiệp có không gian tự do để hoạt động. Châu Âu trở nên hoàn tục, thực hiện dân chủ hóa và hiện đại hóa. Với tinh thần trọng thương, các thị trường vốn bị khép kín nay được bung ra.
Tinh thần khai sáng đã giải phóng châu Âu thoát khỏi thời kỳ nông nghiệp trung cổ tiến lên thời kỳ công nghiệp cận đại, và tinh thần khai sáng này chính là bà đỡ đưa nền kinh tế đi lên, giảm tình trạng đói nghèo tràn lan và làm tăng tuổi thọ bình quân của dân chúng, tóm lại tạo nên sự phồn vinh của châu Âu.
Hệ thống tư bản chủ nghĩa phát triển theo phong trào khai sáng đã tạo nên bầu không khí hăng say sáng tạo, đổi mới ở châu Âu và Bắc Mỹ, điều mà các doanh nghiệp rất cần để có thể bơi ngược dòng. Khi mà sở hữu tư nhân không còn lo sợ vì bị đánh thuế vô tội vạ hoặc bị nhà nước tịch thu một cách tùy tiện thì việc dám bỏ bầy đàn để tìm một lối đi riêng, mới lạ, đầy bất trắc nhưng có thể mang lại nhiều lợi ích lớn lao sẽ diễn ra.
Kẻ nào dám bước tới vùng đất mới có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ thất bại nhưng lại có nhiều cơ hội giành phần thắng. Những kẻ khai phá và những người dám bỏ quê cha đất tổ di chuyển đến vùng đất xa lạ đều hy vọng chiếm đoạt đất đai và tài nguyên.
Các dòng họ Rothschild, Rockefeller, Krupp, Thyssen hay Haniel đều nỗ lực làm những điều độc nhất vô nhị để từ đó vượt các đối thủ cạnh tranh, vươn lên hàng đầu. Các dòng họ đó tìm kiếm khách hàng có nhiều tiềm lực ở những thị trường công nghiệp non trẻ, hòng kiếm lợi nhuận cao nhờ những ý tưởng kinh doanh mới mẻ, táo bạo. Đó là điều mà những Steve Jobs, Bill Gates và Mark Zuckerberg ngày nay đang thực hiện trên thế giới ảo.
Lịch sử kinh tế cho thấy: thời kỳ nào, ở đâu cũng có những con người có đầu óc sáng tạo và đổi mới. Nhưng không phải xã hội nào cũng có khả năng khai thác những tiềm năng sáng tạo đó. Đôi lúc những cái đầu thông minh sáng láng đó lại có khuynh hướng dập khuôn, bắt chước.
Vì thế không có gì ngạc nhiên khi các xã hội với tư duy đó lâm vào tình trạng trì trệ, lạc hậu, thí dụ như ở nước Trung Hoa xưa kia. Tại những nơi khác, như ở châu Âu và Bắc Mỹ - người ta đã tạo ra điều kiện khung, biết kích thích và có phần thưởng thỏa đáng, từ đó vun đắp, phát huy văn hóa sáng tạo. Xã hội tư bản thấm nhuần tư tưởng khai sáng do đó gặt hái được nhiều thành công nhất.



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét