Phát biểu tại một cuộc hội thảo liên quan đến kinh tế sáng tạo và du lịch tại Jakarta ngày 7/12, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Mari Elka Pangestu nói rằng Indonesia không chỉ là nước đầu tiên có một bộ để quản lý ngành kinh tế sáng tạo, mà còn là một quốc gia đi đầu trong phát triển nền kinh tế sáng tạo.
Phóng viên TTXVN tại Indonesia dẫn lời Bộ trưởng Mari Enca Pangextu nêu rõ rằng nền kinh tế sáng tạo, dựa trên nền tảng chính là nguồn nhân lực, có tính bền vững không giới hạn và không giống như các ngành công nghiệp khác phải dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, do đó sẽ góp phần củng cố sức mạnh của nền kinh tế quốc gia trước những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính ở châu Âu và Mỹ.
Nền kinh tế sáng tạo liên quan chặt chẽ với ngành công nghiệp du lịch, bởi nhiều sản phẩm khác nhau của ngành du lịch được tạo ra bởi nền kinh tế sáng tạo, từ các đồ thủ công mỹ nghệ đến các sản phẩm ẩm thực. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, du lịch là một trong những ngành không bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế đi xuống.
Bộ trưởng Mari Enca Pangextu cho biết, trong giai đoạn 2010-2011, nền kinh tế sáng tạo của Indonesia, bao gồm 14 lĩnh vực (so với 4 lĩnh vực ở Trung Quốc và Hàn Quốc), vẫn tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng 2,9%/năm được ghi nhận trong giai đoạn 2006-2009. Dự kiến, mức đóng góp vào nền kinh tế quốc dân của ngành sẽ tăng dần, từ 7,2% GDP năm 2010 lên 11% GDP vào năm 2014.
Tuy nhiên, bà Mari Enca Pangextu cũng thừa nhận vẫn còn những hạn chế liên quan đến xuất nhập khẩu, quyền sở hữu trí tuệ và thuế làm cho các điều kiện môi trường kinh doanh của nền kinh tế sáng tạo Indonesia chưa đủ thuận lợi cho những người bắt đầu tham gia. Ngoài ra, nền kinh tế sáng tạo của Indonesia cũng đang phải đối mặt với vấn đề số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét