MỘT SỐ TIẾP CẬN ĐỔI MỚI SẢN PHẨM
I. LỰA CHỌN VẬT LIỆU ÍT ĐỘC HẠI
a. Vật liệu sạch.
1. Không sử dụng các vật liệu hoặc các chất phụ gia độc bị cấm, bao gồm: PCB (polychlorinated biphenyl), PCT (polychlorinated terphenyl), chì (trong PVC, đồ điện tử, thuốc nhuộm và pin), cadimium (trong thuốc nhuộm và pin) và thuỷ ngân (trong nhiệt kế, công tắc, ống đèn huỳnh quang).
2. Tránh sử dụng vật liệu hoặc chất phụ gia làm suy giảm tầng ozon như clo, flo, brom, metyla brom, halon và bình xịt, bọt biển, chất làm lạnh và dung môi có chứa CFC.
3. Tránh sử dụng các hydrocarbon gây khói mù mùa hè.
4. Tìm ra các kỹ thuật thay thế các kỹ thuật xử lý bề mặt như kẽm nhúng nóng, mạ kẽm điện phân, mạ crom điện phân.
5. Tìm ra các kim loại thay thế các kim loại màu như đồng, kẽm, đồng thau, crom và nikel do quá trình sản xuất ra các kim loại này thải ra các khí độc.
b. Vật liệu có thể tái tạo được.6. Sử dụng các loại vật liệu có thể thay thế cho các loại vật liệu đang cạn kiệt.
c. Vật liệu tiêu thụ ít năng lượng.
7. Tránh sử dụng các loại vật liệu tiêu hao nhiều năng lượng như nhôm trong các sản phẩm có vòng đời ngắn. (Sản xuất nhôm kim loại cần quá trình điện phân tốn rất nhiều năng lượng điện).
8. Tránh sử dụng các vật liệu được sản xuất theo phương thức canh tác vắt kiệt đất.
d. Vật liệu tái chế.
9. Sử dụng vật liệu tái chế bất cứ ở đâu có thể để tăng nhu cầu của thị trường đối với loại vật liệu này.
10. Sử dụng các kim loại tái chế như nhôm và đồng tái chế thay vì sử dụng kim loại nguyên khai.
11. Sử dụng nhựa tái chế trong các chi tiết phụ trợ bên trong sản phẩm không yêu cầu chất lượng cao về cơ học, vệ sinh và độ bền.
12. Khi vệ sinh là một yếu tố quan trọng (ví dụ như tách cà phê hoặc một số loại bao bì), có thể sử dụng vật liệu nhiều lớp với phần trong được làm từ nhựa tái chế và lớp bề mặt bằng nhựa mới.
13. Tận dụng những đặc điểm độc đáo (ví dụ như sự khác biệt về màu sắc và hoạ tiết) của vật liệu tái chế trong quá trình thiết kế.
e. Các vật liệu có khả năng tái chế.
14. Chỉ sử dụng một loại vật liệu cho toàn bộ sản phẩm và cho các bộ phận lắp ráp khác nhau.
15. Nếu không thể làm từ một vật liệu, hãy sử dụng các vật liệu tương thích với nhau.
16. Tránh sử dụng các vật liệu khó tách rời (gây khó khăn cho quá trình phân loại tái chế) như các vật liệu hỗn hợp, vật liệu nhiều lớp, vật liệu có các chất độn, chất chống cháy và sợi thuỷ tinh gia cường.
17. Ưu tiên sử dụng các vật liệu có thể tái chế đã được thị trường chấp nhận.
18. Tránh sử dụng các chất gây ô nhiễm như nhãn dính vì chúng có thể gây khó khăn cho quá trình tái chế.
f. Vật liệu có tác động tốt cho xã hội (chẳng hạn đem lại thu nhập cho địa phương).
19. Sử dụng các loại vật liệu do các nhà sản xuất địa phương cung cấp.
20. Thúc đẩy và tạo thuận lợi cho các công ty địa phương trong việc sử dụng các loại vật liệu tái chế để các loại vật liệu này có thể thay thế cho (một phần) nguyên vật liệu đầu vào của công ty.
II. GIẢM SỬ DỤNG VẬT LIỆU
a. Giảm trọng lượng.
21. Nâng cao độ cứng vững của sản phẩm bằng cách sử dụng các kỹ thuật gia cường cấu trúc các gân tăng cứng thay cho lớp vật liệu quá dày.
22. Thể hiện chất lượng và đẳng cấp sản phẩm thông qua thiết kế tốt hơn là thiết kế sản phẩm với kích thước quá cỡ.
b. Giảm thể tích (cho khâu vận chuyển).
23. Nỗ lực giảm khoảng không gian cần thiết cho vận chuyển và bảo quản bằng cách giảm kích thước sản phẩm và tổng thể tích.
24. Sản xuất các sản phẩm có thể gấp được hoặc có thể xếp lồng vào nhau.
25. Cân nhắc đến việc vận chuyển sản phẩm theo từng bộ phận rời có thể xếp lồng vào nhau, chuyển công đoạn lắp ráp cuối cùng cho bên thứ ba hay thậm chí là cho người sử dụng cuối cùng.
III. TỐI ƯU HÓA CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT.
a. Các công nghệ sản xuất thay thế.
26. Ưu tiên lựa chọn các công nghệ sản xuất sạch cần ít chất phụ gia gây độc hại (ví dụ như, thay thế CFC trong quá trình tẩy dầu mỡ và các chất tẩy gốc clo).
27. Lựa chọn công nghệ sản xuất tạo ra ít khí thải như uốn, gập cong thay cho hàn để tạo ra sản phẩm có các đoạn gập, uốn; sử dụng các mối ghép tháo được thay cho hàn.
28. Lựa chọn các quá trình công nghệ tận dụng vật liệu hiệu quả nhất như dùng sơn tĩnh điện thay cho sơn phun.
b. Giảm các bước (nguyên công) sản xuất.
29. Kết hợp nhiều chức năng vào một bộ phận để giảm các công đoạn sản xuất cần thiết.
30. Ưu tiên sử dụng các loại vật liệu không cần đến xử lý bảo vệ bề mặt.
c. Sử dụng ít năng lượng hơn hay sử dụng năng lượng sạch hơn.
31. Khuyến khích bộ phận sản xuất và các nhà cung cấp thực hiện quá trình sản xuất của mình một cách hiệu quả về năng lượng.
32. Khuyến khích họ sử dụng các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo như năng lượng gió, nước và mặt trời. Ở những nơi có thể, cần giảm việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch và giảm các tác động môi trường. Chẳng hạn như chọn các loại than có hàm lượng sulphur thấp hoặc khí đốt tự nhiên.
d. Giảm chất thải từ quá trình sản xuất.
33. Thiết kế sản phẩm để giảm thiểu vật liệu thải, đặc biệt là trong các quá trình như cưa, tiện, phay, ép và đột lỗ.
34. Khuyến khích bộ phận sản xuất và các nhà cung cấp giảm lượng chất thải và tỷ lệ phế phẩm trong sản xuất.
35. Tái chế chất thải ngay trong công ty.
e. Sử dụng ít vật liệu phụ hơn hoặc dùng các vật liệu phụ sạch hơn trong công ty.
36. Giảm lượng vật liệu phụ trong sản xuất, ví dụ như bằng cách thiết kế sản phẩm sao cho trong quá trình cắt, phoi được tập trung ở một chỗ để giảm khối lượng công việc vệ sinh, tẩy rửa.
37. Tham khảo ý kiến của bộ phận sản xuất và các nhà phân phối xem có thể nâng cao hiệu quả sử dụng vật liệu hay không, chẳng hạn như bằng cách thực hiện tốt quản lý nội vi, triển khai hệ thống sản xuất khép kín hay tái chế tại chỗ.
f. An toàn và vệ sinh nơi làm việc.
38. Lựa chọn những loại công nghệ sử dụng ít các chất độc hại hơn và tạo ra ít chất thải độc hại hơn.
39. Sử dụng các loại công nghệ tạo ra ít chất thải hơn và tổ chức hệ thống tái chế và tái sử dụng hiệu quả trong công ty đối với những chất thải còn lại.
40. Triển khai hệ thống đảm bảo an toàn, sức khoẻ và điều kiện làm việc trong công ty theo các tiêu chuẩn kiểu như SA8000.
IV. TỐI ƯU HÓA HỆ THỐNG PHÂN PHỐI
a. Sử dụng bao gói ít hơn/ sạch hơn/ tái sử dụng được.
41. Nếu tât cả hoặc một phần bao bì giúp sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn, tận dụng lợi thế này nhưng nghiêng về khâu thiết kế để đạt hiệu quả tương tự.
42. Đối với các bao bì hàng hóa và vận chuyển khối lượng lớn có thể tái sử dụng , cần kết hợp hệ thống ký quỹ hoặc hoàn trả.
43. Sử dụng các nguyên liệu phù hợp cho từng loại bao bì đóng gói - ví dụ, tránh sử dụng nhựa PVC và nhôm trong những bao bì không thể thu hồi.
44. Giảm thiểu thể tích và trọng lượng bao gói.
45. Bảo đảm rằng đóng gói là hợp lý để giảm thể tích, dễ uốn và xếp lồng các sản phầm - xem mục 8.2.b.
b. Cách thức vận chuyển tiết kiệm năng lượng.
46. Yêu cầu bộ phận bán hàng tránh các hình thức vận chuyển gây ảnh hưởng đến môi trường.
47. Vận chuyển bằng container đường thủy và tàu hỏa thích hợp hơn là vận chuyền bằng xe tải.
48. Nên tránh sử dụng vận chuyển đường hàng không ở những nơi có thể.
c. Hiệu quả năng lượng trong khâu hậu cần.
49. Khuyến khích bộ phận bán hàng ưu tiên mua hàng tại địa phương để tránh phải vận chuyển đường dài.
50. Khuyến khích bộ phận bán hàng sử dụng các cách phân phối hiệu quả - ví dụ, phân phối đồng thời một số lượng lớn các mặt hàng khác nhau.
51. Sử dụng cách đóng gói vận chuyển tiêu chuẩn và đóng gói khối lượng lớn (các kích thước đóng gói tiêu chuẩn và theo quy định về các tấm đỡ hàng của châu Âu - Europallets).
d. Thu hút các nhà cung cấp địa phương (kinh tế phân bổ).
52. Tìm kiếm các khả năng ký hợp đồng với các nhà phân phối/ vận chuyển tại địa phương.
53. Thành lập các bộ phận hậu cần cùng với các công ty đối tác lân cận để cùng nhau thuê vận chuyển và phân phối từ các công ty địa phương.
V. GIẢM TÁC ĐỘNG TRONG QUÁ TRÌNH SỬ DỤNG
a. Tiêu thụ năng lượng thấp.
54. Sử dụng các thiết bị tiêu thụ năng lượng ít nhất có trên thị trường.
55. Sử dụng cơ chế cắt nguồn điện tự động.
56. Bảo đảm rằng người sử dụng có thể tắt các đồng hồ, các chức năng dự phòng và các thiết bị tương tự.
57. Nếu việc di chuyển sản phẩm trong quá trình sử dụng tiêu tốn năng lượng thì sản phẩm phải càng nhẹ càng tốt.
58. Nếu năng lượng được sử dụng cho việc gia nhiệt thì phải chắc chắn rằng mọi bộ phận của hệ thống cần được bảo ôn tốt nhất.
b. Sử dụng nguồn năng lượng sạch.
59. Lựa chọn nguồn năng lượng ít gây hại môi trường nhất.
60. Không khuyến khích sử dụng loại pin không sạc lại được - ví dụ, radio cầm tay có thể dùng được pin xạc thì nên sử dụng loại pin đó.
61. Khuyến khích sử dụng năng lượng sạch như các nguồn năng lượng ít lưu huỳnh (khí gas tự nhiên và than ít lưu huỳnh), năng lượng sinh học, năng lượng gió, năng lượng nước và năng lượng mặt trời. Ví dụ: bình nước nóng hỗn hợp dùng năng lượng mặt trời và năng lượng điện không tốn điện để làm nóng nước trong mùa hè.
c. Giảm nhu cầu tiêu thụ.
62. Thiết kế sản phẩm sao cho giảm thiểu việc sử dụng các nguyên liệu phụ - Ví dụ, sử dụng một bộ lọc kim loại để pha cà phê thay thế cho bộ lọc giấy, và thiết kế hình dáng tối ưu cho bộ lọc để tận dụng cà phê tốt nhất.
63. Giảm thiểu rò rỉ từ máy móc, ví dụ lắp đặt bộ cảm biến phát hiện rò rỉ.
64. Nghiên cứu tính khả thi của việc sử dụng lại các vật liệu thừa, chẳng hạn sử dụng lại nước thải của máy rửa bát.
d. Tiêu dùng sạch hơn.
65. Thiết kế sản phẩm sử dụng những vật liệu có sẵn và sạch nhất.
66. Bảo đảm rằng việc sử dụng sản phẩm không tạo ra chất thải tiềm ẩn có hại - ví dụ bằng cách lắp đặt các bộ lọc thích hợp.
e. Giảm lãng phí năng lượng và tiêu dùng.
67. Cần tránh việc sử dụng nhầm sản phẩm thông qua các hướng dẫn rõ ràng và thiết kế phù hợp.
68. Thiết kế sản phẩm sao cho người dùng không thể lãng phí những nguyên vật liệu phụ - ví dụ ngăn chứa nguyên liệu phải được làm đủ lớn để tránh đổ tràn.
69. Sử dụng các mức định lượng trên sản phẩm để người dùng biết chính xác cần bao nhiêu nguyên liệu, ví dụ lượng bột giặt nên dùng cho một mẻ giặt.
70. Để trạng thái hoạt động mặc định phù hợp nhất trên quan điểm bảo vệ môi trường - ví dụ: không đặt sẵn các cốc giấy trên khay của máy bán nước giải khát, máy photocopy để ở chế độ “phôtô 2 mặt”.
f. Hỗ trợ sức khỏe và gia tăng giá trị xã hội.
71. Bảo đảm rằng sản phẩm không có hoặc có rất ít ảnh hưởng lên sức khỏe người tiêu dùng bằng cách tránh dùng các chất có độc tính, dùng các chất có lượng phóng xạ thấp,…
72. Thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu kinh tế xã hội và khả năng của người tiêu dùng.
73. Đánh giá khả năng thiết kế sản phẩm phục vụ nhóm người có thu nhập thấp.
VI. TỐI ƯU HÓA VÒNG ĐỜI SẢN PHẨM
a. Tin cậy và bền vững.
74. Phát triển các thiết kế chắc chắn và tránh tạo ra các liên kết yếu trong sản phẩm. Các phương pháp đặc biệt như “Phân tích các dạng hỏng và tác động của chúng” được phát triển cho mục đích này.
b. Dễ dàng sửa chữa và bảo dưỡng.
75. Thiết kế sản phẩm với quan điểm hạn chế khối lượng công việc bảo dưỡng về sau.
76. Ghi rõ trên sản phẩm cách tháo rời để lau chùi hoặc sửa chữa - ví dụ, chỉ ra chỗ nào nên dùng tuốc nơ vít để mở chỗ nối.
77. Ghi rõ trên sản phẩm những phần nào cần phải được lau chùi và bảo trì theo một cách riêng - ví dụ, dùng màu đặc trưng để chỉ ra chỗ cần bôi dầu mỡ.
78. Chỉ ra trên sản phẩm những phần hoặc bộ phận nhỏ cần được kiểm tra thường xuyên vì nó có thể rất nhanh bị mòn.
79. Đặt vị trí ghi hạn sử dụng ở chỗ dễ nhìn thấy để sửa chữa hoặc thay thể đúng thời gian.
80. Đặt các phần nhanh mòn (hỏng) ở gần nhau, để thuận tiện mỗi khi cần tháo dỡ để sửa chữa hoặc thay thế.
c. Cấu trúc sản phẩm có thể tháo rời được.
81.Thiết kế sản phẩm có thể tháo rời được tạo điều kiện cho việc nâng cấp hoặc thêm một các bộ phận hoặc chức năng mới về sau được dễ dàng. Ví dụ, thêm các mô-đun nhỏ vào trong máy tính để mở rộng bộ nhớ.
82. Thiết kế sản phẩm có thể tháo rời được để các bộ phận lạc hậu về kỹ thuật hay về mặt thẩm mỹ có thể được thay mới. Ví dụ, với đồ đạc có thể làm mới bằng cách sử dụng lớp bọc thay thế được hoặc làm mới bằng cách làm sạch hay sơn lại.
d. Thiết kế cổ điển.
83. Thiết kế giao diện sản phẩm sao cho không bị lỗi thời quá nhanh, bằng cách đó đảm bảo thẩm mỹ của sản phẩm không quá ngắn so với vòng đời kỹ thuật của nó.
e. Mối quan hệ chặt chẽ giữa sản phẩm - người dùng.
84. Thiết kế sản phẩm sao cho đáp ứng được yêu cầu (có thể là tiềm ẩn) của người dùng trong thời gian dài.
85. Bảo đảm rằng công tác sửa chữa và bảo dưỡng sản phẩm là niềm vui hơn là làm việc chỉ vì trách nhiệm.
86. Đem lại cho sản phẩm giá trị gia tăng về thiết kế và công năng sử dụng để người dùng không muốn thay thế nó.
f. Bao hàm các hệ thống dịch vụ và bảo trì của địa phương.
87. Thiết kế sản phẩm phù hợp với khả năng bảo trì và dịch vụ sau bán hàng của các công ty địa phương.
88. Cùng phát triển các trung tâm sửa chữa và dịch vụ mới tại các khu vực bao gồm cho cả sản phẩm mới và sản phẩm hiện có.
VII. TỐI ƯU HÓA GIAI ĐOẠN THẢI BỎ SẢN PHẨM
a. Tái sử dụng sản phẩm.
89. Tạo ra những thiết kế kinh điển có thể làm vừa lòng và hấp dẫn người dùng lại sản phẩm (người tiêu dùng thứ hai- second hand) về mặt thẩm mỹ.
90. Bảo đảm rằng cấu trúc và thiết kế sản phẩm là hợp lý để nó không nhanh chóng bị lỗi thời.
b. Tái sản xuất/ tân trang lại.
91. Thiết kế sản phẩm sao cho việc tháo lắp để kiểm tra, lau chùi, sửa chữa và thay thế những chỗ hỏng được dễ dàng.
92. Sản phẩm phải có một cấu trúc thiết kế dễ tháo lắp theo thứ tự. Các bộ phận có thể được tháo rời ra và tái sử dụng theo phương pháp phù hợp.
93. Sử dụng các mối ghép có thể tháo rời như khóa, đinh vít hoặc các chỗ nối bằng chốt thay thế cho các mối hàn hay keo dính.
94. Sử dụng các mối ghép nối tiêu chuẩn hóa để sản phẩm có thể được tháo rời với một vài công cụ phổ biến - ví dụ, sử dụng một loại và một cỡ vít.
95. Vị trí các mối nối được bố trí hợp lý sao cho người dùng có thể tháo dỡ sản phẩm mà không cần phải xoay hoặc di chuyển nó.
96. Chỉ ra trên sản phẩm cách tháo rời - ví dụ, chỉ ra vị trí và cách thức sử dụng tuốc nơ vít để mở mối ghép.
97. Đặt các phần nhanh bị mòn hỏng ở gần nhau để chúng có thể được thay thế cùng lúc một cách dễ dàng.
98. Chỉ ra trên sản phẩm những phần cần phải được lau chùi hoặc bảo trì theo một cách riêng - ví dụ, dùng màu đặc trưng để chỉ ra chỗ cần bôi dầu mỡ.
c. Tái chế nguyên liệu.
99. Ưu tiên cho việc tái chế sơ cấp trước tái chế cấp 2 và cấp 3.
100. Thiết kế thuận lợi cho việc tháo rời sản phẩm (từ các bộ phận đến các chi tiết nhỏ).
101. Nên sử dụng những nguyên liệu tái chế đã được thị trường chấp nhận.
102. Nếu các chất có độc tính buộc phải sử dụng trong sản phẩm, thì chúng nên được bố trí tập trung ở các khu vực gần nhau để có thể dễ dàng xử lý.
d. An toàn trong quá trình thiêu hủy.
103. Càng nhiều chất độc trong sản phẩm, thì chi phí thiêu hủy (đốt) càng cao. Các thành phần chất độc phải được tập trung và tách dễ dàng để loại bỏ và xử lý trước khi thải ra ngoài.
e. Tính đến các hệ thống tái chế, thu gom (không chính thức) trong khu vực.
104. Tính đến khả năng của các hoạt động tái chế tự phát và có tổ chức hiện có trong cộng đồng trong việc tham gia thu hồi và tái chế sản phẩm.
105. Cùng phát triển và/hoặc hỗ trợ những hệ thống tái chế và thu gom mới và hiệu quả trong khu vực.
(Nguồn dẫn: Sổ tay hướng dẫn thiết kế hướng tới phát triển bền vững)
***
----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét